Thursday, February 20, 2014

Nhân dịp biết được một câu chuyện cảm động


Hôm nay tự nhiên xem được clip này trên Youtube. Đó là câu chuyện về một cậu bé bị mắc Hội chứng Schwartz Jampel gây căng cơ vĩnh viễn và một chú chó Anatolian Shepherd tên là Haatchi bị tai nạn chỉ còn 3 chân.


Haatchi làm mình nhớ tới em chó Mích mà nhà mình từng nuôi khi mình đang học tiểu học. Hồi đấy còn bé quá nên cũng chẳng nhớ gì nhiều, chỉ biết từ khi mình còn nhớ được thì trong nhà đã có Mích, Mích đã lớn rồi. Má kể lại là Mích rất ngoan mặc dù hồi đấy má bận việc nhà không có thời gian dạy dỗ nhiều. Má cũng chả phải xích Mích lại, Mích tự đi chơi, tự đi vệ sinh rồi lại tự về nhà. Kể ra chó hồi đó cũng sướng nhỉ, có nhiều chỗ để chạy nhảy, có một khoảng tự do nhất định, chứ không như bây giờ, đất chật người đông. Ban ngày Mích còn ở nhà trông 2 chị em cho má yên tâm công tác nữa. Mích thích ngủ trên ghế. Mích rất bênh trẻ con, cứ thấy đứa trẻ nào bị trẻ con đánh là Mích xông ra can. Mích lại còn đẻ 1 đống chó con rất xinh. Rồi Mích bị tai nạn, bị 1 chiếc xe ô tô nào đó đâm, bị gãy chân. Má không biết chăm sóc thế nào nên cho đi. Mình nhớ 2 chị em đã khóc hết nước mắt khi má quyết định như vậy. Chẳng biết người ta đã làm gì với Mích, chắc làm thịt rồi cũng nên. Mình rất nhớ Mích, hôm nay ngồi nghĩ lại thế là lại khóc hết nước mắt. Mích thật tốt với nhà mình mà mình lại không đối xử tốt với nó được như thế, mình thật có lỗi. Tuy chẳng thể đền bù được gì cho Mích nhưng mình sẽ ko ăn thịt chó,  mình nhất định sẽ đối xử tốt với Luna, sẽ ở bên cạnh Luna cho dù ốm đau như thế nào.

Cũng phải cảm ơn má rất nhiều vì đã cho mình tiếp xúc với Mích ngay từ bé để mình có thể trở thành 1 người biết yêu thương động vật hơn. Mình không quan tâm giống chó gì, em nào cũng đáng yêu và có những tính cách, phẩm chất đáng trân trọng, và trên hết là luôn trung thành với chủ của nó. Chị yêu và nhớ Mích rất nhiều, chú chó đầu tiên trong đời của chị <3

Thỉnh thoảng đọc nhiều bài báo về chó hoang lại thấy thương. Sao người ta thật vô trách nhiệm, cứ để chó mẹ đẻ ra chó con thật nhiều, rồi không có người nhận nuôi, rồi lại vứt chúng nó ra đường. Xong khi chúng nó thành chó hoang, đi kiếm ăn, cắn người thì lại tiêm thuốc giết hết. Mình thật sự ghét và chắc chắn sẽ không bao giờ mua chó từ những breeder chỉ vì lợi nhuận kiểu như vậy. Chó ở nước ngoài có may mắn hơn chó ở Việt Nam là có rất nhiều tổ chức chuyên đi giải cứu và chăm sóc cho những chú chó bị bỏ hoang, hy vọng Việt Nam cũng sẽ sớm được như vậy để các em chó đỡ khổ. 

Tuesday, February 18, 2014

Cún con cắn, sủa và gầm gừ

Hôm nay là ngày Luna tròn 8 tuần tuổi. Luna đã hoàn toàn quen với nhà và chủ. Mình vẫn chưa cho Luna vào phòng ngủ mà chỉ cho chơi ở khu vực phòng khách và phòng ăn. Luna cũng có vẻ yêu thích chuồng của mình hơn, nhiều khi buồn ngủ, Luna tự giác đi vào chuồng và nằm vật xuống ngủ luôn, đáng yêu không chịu được. Mình cũng để Luna ngủ một mình trong chuồng ngoài phòng khách, còn mình nằm trong phòng ngủ nhưng để ngỏ cửa để ban đêm có thể nghe thấy tiếng Luna đòi đi vệ sinh. Ban đêm Luna ngủ rất ngoan, không kêu khóc gì ngoài việc cứ 2, 3 tiếng thì đòi đi vệ sinh. Mình vẫn phải thức dậy 2, 3 lần một đêm để đưa Luna ra ngoài, không cho chơi mà chỉ xong việc là đưa Luna quay lại chuồng ngủ luôn. Chỉ có điều ban đêm Luna 10h đã lên chuồng ngủ rồi nên sáng dậy cũng rất sớm, 5h đã đánh thức mình đòi chơi cả tiếng đồng hồ, haiz haiz. Khi nào Luna lớn hơn, có thể ngủ qua cả đêm thì mình sẽ chơi để Luna ngủ muộn hơn, mình cũng sẽ có một giấc ngủ đầy đủ.

Vấn đề đi tè thì vẫn hơi nản giải, cho dù mình rất chịu khó đưa Luna ra ngoài sau mỗi lần chơi, ngủ hay ăn, tức là trung bình một tiếng một lần trừ khi ngủ, nhưng "tai nạn" thỉnh thoảng xảy ra, tuy tần suất đã giảm nhiều so với những ngày đầu tiên. Đành phải đợi Luna lớn hơn để tình hình tự cải thiện vậy.

Một vấn đề mới bắt đầu nảy sinh. Nhìn vào bức ảnh bên cạnh chắc mọi người cũng đoán ra là gì rồi. Khi mình đưa Luna đi dạo bên ngoài, rất bình thường như mọi lần, thì không hiểu sao Luna cắn gấu quần mình, mình đẩy Luna ra thì Luna bắt đầu gầm gừ và nhảy lại cắn tiếp, cứ như thế đó là một trò chơi vậy. Rồi thỉnh thoảng lại sủa rất to như thể hào hứng lắm mà mình chẳng hiểu lý do vì sao. Haiz haiz. Mình đã tìm hiểu và biết rằng đây là hành vi khá bình thường đối với cún con. Luna vẫn có thói quen cắn và sủa như khi chơi với các anh chị em của mình. Tuy nhiên đây không phải thói quen tốt vì khi Luna lớn lên mà vẫn giữ thói quen này thì có thể sẽ trở nên nguy hiểm cho người chơi cùng Luna hoặc Luna có thể sẽ trở nên hung dữ hơn. 

Cách giải quyết là: Khi cún cắn, bạn kêu "ái" hoặc giả tiếng kêu "ăng ẳng" của chó khi bị đau để cún hiểu rằng nó đang làm đau người khác. Sau đó nên ngừng chơi với cún, có thể cho cún vào chuồng một vài phút để cún hiểu rằng nếu tiếp tục làm vậy thì sẽ không có ai chơi cùng. Tất nhiên cún muốn được bạn yêu thương nên sau vài lần, cún sẽ không lặp lại hành vi này nữa. Nếu cún kêu ca hay sủa thì hãy lờ đi, tránh nhìn vào mắt cún. Hãy đợi đến khi cún nằm yên được vài phút thì hãy gọi cún lại và chơi đùa như bình thường. 

Một cách khác mình có thể học tập từ chó mẹ khi không muốn chó con làm một điều gì đó là nói KHÔNG (chó mẹ thì sẽ gầm gừ), nhấc chó con lên khỏi mặt đất (chó mẹ sẽ cắn vào cổ để nhấc lên nhưng mình có thể dùng tay để nhấc cả người). Tóm lại điều quan trọng nhất là phải nhất quán, mỗi lần cún có hành động này là mình phải ra tay ngay, chứ nếu lúc làm lúc không thì cún sẽ cảm thấy phân vân không hiểu vì sao lúc thì thế này, lúc thì thế kia. Chó con cũng giống trẻ con vậy, chúng sẽ thử nhiều hành động để xem cái gì được làm và cái gì không nên mình phải kiên trì dạy dỗ cho nó hiểu phép tắc.  

Sunday, February 16, 2014

Nhật ký những ngày đầu tiên ở nhà ( phần 3)

Ngày thứ 5:

Có thể nói giờ Luna đã hoàn toàn quen với ngôi nhà mới rồi, sau mỗi lần đi dạo bên ngoài và đi gần khu vực nhà, Luna luôn chạy về đúng trước cửa. Mình có một nguyên tắc là chủ vào trước, chó vào sau nên luôn bắt Luna phải đứng yên trước cửa đợi mình xong xuôi mới được vào. Điều này rất quan trọng để Luna hiểu được ngôi thứ trong gia đình. Tuy nhiên Luna vẫn còn mải chơi lắm, trước cửa nhà mình có mấy cây cảnh nhỏ nên nhiều khi Luna không chịu vào nhà ngay mà cứ nhẩn nha gặm cây chơi tuyết trước cửa làm mình dụ mãi mới chịu vào, những lúc như vậy ghét ghê haiz haiz.

Số "tai nạn" xảy ra trong nhà cũng đã giảm đi nhiều, phần nhiều là do mình chịu khó để ý thời gian đưa Luna ra ngoài đi tè hơn. Những lúc nào bận bịu gì đó không để mắt được tới Luna thì nhốt vào chuồng vì theo bản năng thì Luna sẽ không làm bẩn chỗ nó ngủ. Nhìn chung sau gần 1 tuần sống với Luna, mình thấy những bài huấn luyện chó đi vệ sinh trong 7 ngày hay tương tự gì đó là rất khó thực hiện. Với việc đi "nặng" thì rất dễ vì chó hay có dấu hiệu bồn chồn, ngửi ngửi và đi xoay vòng tròn, hơn nữa chó cũng chỉ đi "nặng" khoảng 3, 4 lần một ngày sau mỗi bữa ăn nên Luna chưa ị trong nhà bao giờ. Tuy nhiên việc đi tè thì vẫn còn rất nan giải vì Luna còn bé quá, chắc mình không nên kỳ vọng quá cao, mà suốt ngày nhốt Luna trong chuồng thì mình cũng ko thích. Hơn nữa việc giới hạn nước uống để chó không đi tè nhiều cũng là điều không nên ở tuổi đang phát triển như thế này. Thứ 3 tuần sau là Luna tròn 2 tháng rồi, hy vọng càng lớn sẽ càng ngoan.

Luna giờ đã quen với khu vực quanh nhà hơn rồi, mỗi ngày mình lại tập cho Luna đi xa hơn một chút để Luna tự tin hơn. Mình cũng chuyển sang cho Luna ăn 4 bữa 1 ngày thay vì 3 như mấy ngày đầu để đảm bảo Luna ăn đầy đủ khẩu phần ăn mỗi ngày. Luna bây giờ ăn cũng đã bắt đầu biết ăn hết sạch thức ăn mình cho rồi, có lẽ đến đầu tháng sau mình sẽ chuyển lại từ 4 bữa sang 3 bữa một ngày là được. 

Hôm nay mình cũng đã tắm cho Luna lần đầu tiên vì Luna hay ngồi xuống khi đi tè nên vùng lông chỗ chân sau bị vàng khè. Trước khi tắm, mình cho Luna đi vệ sinh rồi chải lông cẩn thận để tránh lông bị rối khi ướt. Mình mua cho Luna bồn tắm nhỏ dùng cho trẻ sơ sinh và đặt một tấm chống trơn trượt bên trong. Ban đầu mình chỉ cho một chút nước ấm đủ để ngập bàn chân của Luna để Luna đỡ sợ rồi từ từ vảy nước lên lông để Luna quen, và đương nhiên là luôn miệng khen ngợi Luna cũng như thưởng đồ ăn cho Luna. Mình chỉ dùng một chút dầu gội cho chó con để rửa phần lông bị bẩn rồi nhanh chóng kết thúc buổi tắm đầu tiên. Mình không muốn gây áp lực nhiều vì sợ Luna không thích trải nghiệm này thì những lần sau sẽ rất khó khăn. Sau đó mình bật máy sấy để Luna quen với tiếng ồn, cho Luna ngửi ngửi rồi để xa người Luna, đồng thời cũng đặt tay mình vào chỗ hướng luồng gió nóng tới để đảm bảo Luna không bị quá nóng. Sau khi tắm xong Luna cũng mệt nên đi ngủ luôn, tốt quá, mình cũng không muốn Luna ra ngoài trời lạnh ngay.

Series nhật ký những ngày đầu tiên ở nhà có lẽ dừng ở đây là được rồi vì từ những ngày sau trở đi, mọi thứ bắt đầu đi vào thói quen. Nuôi chó con quả thật rất vất vả, nhưng mà "ai yêu em cún, thì làm được thôi."

Phần 1
Phần 2

Thursday, February 13, 2014

Nhật ký những ngày đầu tiên ở nhà ( phần 2)

Ngày thứ 3:

Chắc do ngủ sớm lúc 10h nên Luna thức dậy cũng rất sớm, gần 5h đã tỉnh rồi. Mình cũng phải dậy theo để đưa nàng ra ngoài đi vệ sinh, và tất nhiên không quên mang theo treats rồi. Cách này có vẻ rất hiệu quả, Luna đã chịu khó đi theo mình, gọi là lại gần, mình đi bộ thì nàng đi bộ theo, mình chạy thì nàng cũng chạy theo, cứ theo tình hình này thì chỉ tuần tới thôi là Luna sẽ quen với tên của mình cùng khẩu lệnh lại đây và đi vệ sinh bên ngoài chứ không đi trong nhà nữa. Bây giờ mình phải tập cho Luna thói quen vào chuồng không kêu gào nữa mà phải tự chơi ngoan trong đó hoặc đi ngủ, không chỉ ban đêm mà cả ban ngày nữa. Dự định của mình là sẽ để bát nước và bát thức ăn vào trong chuồng để Luna thấy việc ở trong chuồng là một trải nghiệm tích cực, dần dần sẽ yêu chiếc chuồng của mình hơn. 

Tuy Luna giờ đã chăm đi vệ sinh bên ngoài hơn nhưng lại chỉ chịu đi vệ sinh ở 1 khu vực nhất định, mà lại gần nhà mới chết chứ, ra khỏi nhà một phát là tè ngay. Người ta nói rằng khi cún ngửi thấy mùi nước tiểu thì nó sẽ tự hiểu đó là khu vực đi vệ sinh. Chắc Luna đi tè gần nhà nhiều quá nên nghĩ trước cửa là toilet của Luna hic hic. Có lẽ mình phải bế Luna đi xa xa 1 chút để Luna bỏ thói quen đi tè gần nhà đi mới được. Mình mới phát hiện ra là âm nhạc rất tốt để ru Luna ngủ. Bình thường nhốt vào chuồng Luna phải kêu ca một hồi lâu, nhưng sau 4p bật nhạc thì đã dần dần chìm vào giấc ngủ, thật là tuyệt. 

Sáng nay đi dạo Luna đã gặp được 2 chú chó thuộc 2 giống khác nhau và 3 con người ở ba độ tuổi khác nhau. Luna luôn tỏ ra rất háo hức, cứ ngửi ngửi và tất cả đều rất thích Luna. Có vẻ như quá trình giúp Luna làm quen với nhiều loại chó, nhiều loại người đang diễn ra rất tốt đẹp, Luna sẽ lớn lên trở thành một cô chó thân thiện và quảng giao cho xem. Tuy nhiên Luna vẫn chưa chịu đi xa khỏi khu vực nhà, có lẽ vì còn lạ lẫm nên mình quyết định khi ra khỏi nhà thì bế Luna trên tay, đến xa xa một chút với thả xuống để Luna tự đi bộ về. Luna cũng đã chịu đi tè ở nhiều vị trí khác nhau trên đường, bước đầu giúp Luna không tè trước nhà vậy đã tạm ổn. Khi ở khu vực xa lạ, Luna cứ kêu ư ử, cứ chạy đòi ngồi vào lòng mình, ban đầu mình tưởng Luna lạnh vì hôm nay có tuyết rơi nhưng sau mới hiểu là Luna sợ. Có vẻ Luna bắt đầu tin tưởng mình hơn rồi, khi sợ biết chạy lại phía mình, rồi luôn đi gần bên mình, mối quan hệ giữa chủ và cún bắt đầu được hình thành rồi đây. 

Hôm nay Luna ngủ nhiều hơn mấy hôm trước. Mặc dù vẫn biết là cún cũng giống trẻ con vậy, phải ngủ nhiều thì mới lớn được nhưng như thế này có hơi quá nhiều không ngủ, thời gian ngủ ngày bằng thời gian chơi luôn. Hy vọng là ban ngày ngủ nhiều nhưng ban đêm sẽ vẫn ngủ đủ chứ lại quấy phá thì chết mất haiz haiz.


Wednesday, February 12, 2014

Nhật ký những ngày đầu tiên ở nhà ( phần 1)

Ngày thứ 1:

Vợ chồng mình đưa Luna về nhà lúc 7h tối. Luna chắc cũng cảm thấy sắp phải chia tay các anh chị em hay sao ý nên có vẻ buồn buồn. Mình cho Luna vào hộp lót áo phông cũ rồi ngồi ghế sau để chơi cùng Luna. Ban đầu Luna không chịu ở trong hộp mà cứ đòi nhảy ra ngoài, mình thì chỉ bít cố gắng vỗ về an ủi và mong sớm sớm về tới nhà.

1 tiếng đi đường chưa bao giờ dài đến thế, mãi mới về đến nhà. Sau khi vào nhà và để Luna thám thính 1 chút, mình cho Luna ăn bữa tối nhưng Luna chỉ ăn rất ít và uống một chút nước. Đợi 1 lúc mình dẫn Luna ra ngoài đi vệ sinh, mọi thứ diễn ra dễ dàng. Về trong nhà Luna còn đùa nghịch với vợ chồng mình rất vui. Luna đặc biệt thích chơi với con khủng long mà mình để ở nhà chủ cũ của Luna, chắc vì nó dính mùi của mẹ và anh chị em của Luna nên Luna cảm thấy thân quen hơn.

Đến tầm 10h mình cho Luna vào chuồng trong phòng ngủ của bọn mình, để đèn sáng để Luna ko cảm thấy cô đơn. Được cái Luna rất chịu khó ngủ trong chuồng, ko kêu ca gì nhiều, chỉ ư ử 1 chút khi trở mình sang tư thế khác thôi. Tuy nhiên thế cũng đủ làm mình lo lắng, nằm trên giường mà chả chợp mắt được, cứ nghe tiếng Luna là phải xem có vấn đề gì không. Ban đêm mình đặt đồng hồ đưa Luna đi vệ sinh lúc 12h và 3h. Sau khi đi vệ sinh xong Luna lại về chuồng ngủ rất ngoan.

Ngày thứ 2:

Sáng Luna dậy lúc 5h, đi vệ sinh, chơi 1 lúc rồi 6h ăn sáng. Ăn xong luôn chịu đi nặng rất ngoan nhưng đi nhẹ thì ít một rồi lại tè bậy trong nhà. Từ hôm qua đến hôm nay mình dọn chắc không dưới 10 lân. Có nhiều lần Luna chỉ chạy thôi mà nước tiểu cũng chảy ra. Người ta bảo lớn lên tật đó dần dần sẽ hết, có lẽ do Luna còn nhỏ quá chưa kiểm soát tốt bọng đái của mình. Được cái là Luna chưa bao giờ đi vệ sinh trong chuồng nên cứ cho vào chuồng là yên tâm không xảy ra tai nạn gì. Tuy nhiên mình chỉ cho Luna vào đó lúc ngủ thôi, còn lại mình vẫn để Luna ở ngoài chơi cùng mình, dù sao mới chỉ là ngày thứ 2, Luna cần thời gian để làm quen và xây dựng mối quan hệ tình cảm với vợ chồng mình. 

Buổi sáng mình sợ Luna đi tè bậy nhiều nên cho uống ít nước làm Luna cứ ra ngoài là đi ăn tuyết. Mình rút kinh nghiệm, thà để Luna đi bậy trong nhà còn ăn khát nước rồi ăn tuyết. Luna lại còn đòi ăn cây ăn lá và nhảy vào nằm trên tuyết mà mình ko biết phải làm sao ngoài bế Luna đi. Luna còn bé, chưa có lông ở vùng bụng và vùng kín nên nếu ngồi hoặc nằm trên tuyết thì sẽ dễ bị nhiễm trùng. Luna cũng lười đi lại xung quanh, mình động viên mãi mới đi 1 chút rồi đòi về nhà. Hôm nay Luna cũng ngủ rất nhiều.

Đến tối Luna có vẻ nhút nhát hơn, toàn nằm chỗ cửa ra vào, mình sợ Luna nằm sàn lạnh nên lại bế vào chuồng rồi đóng lại. Nàng ta ngủ 1 lúc rồi đòi ra, cho đi vệ sinh thì ko chịu đi. Mình thấy hơi lo, hôm qua Luna vẫn còn vui vẻ năng động thế mà hôm nay lại có vẻ sợ hãi nhút nhát. Mình kết thúc khẩu phần ăn cho Luna lúc 6h tối và nước uống lúc 8h tối, cố gắng không để Luna ngủ nhiều vào tối mà cố chơi cùng Luna để Luna mệt, ban đêm sẽ ngoan hơn. 

Thế mà cuối cùng vẫn ko được, tầm 10h lúc mình nhốt vào chuồng để chuẩn bị đi ngủ, Luna kêu gào thảm thiết phải đến 10p rồi mới chịu thôi, bọn mình quyết tâm không mở cửa cho Luna ra vì thấy thế Luna sẽ được thể, lần sao cứ kêu mãi. Ngủ được một lúc đến tầm 1h thì Luna thức giấc, mình cho Luna ra ngoài đi vệ sinh. Một rút kinh nghiệm nữa là lần này mình mang theo treats để gọi Luna lại gần hoặc thưởng cho Luna khi nàng đi vệ sinh bên ngoài đúng như mình muốn. Mình cũng đồng thời sử dụng clicker luôn để tập cho Luna biết khi có tiếng clicker tức là Luna đang làm đúng điều mà chủ muốn. Đến lúc cho vào chuồng ngủ tiếp thì lại tiếp tục kêu gào, haiz haiz, bao giờ mới coi chuồng là ngôi nhà bình yên của mình đây Luna ơi??? 

Mà không hiểu sao ban đêm ngủ Luna thỉnh thoảng lại thè lưỡi và thở mạnh, có lẽ trong nhà hơi nóng cho Luna chăng, mình đã chỉnh nhiệt độ để chỉ khoảng 20, 21 độ thôi mà vẫn không đủ. Có lẽ đó là lý do vì sao Luna thích ngủ trên sàn chỗ cửa ra vào, ở đó mát mà. Tuy nhiên đây không phải là thói quen tốt, hơn nữa theo mình đọc thì khi cún thè lưỡi không có nghĩa nó đang cảm thấy khó chịu mà chỉ là cơ chế làm mát bên trong cơ thể đang hoạt động thôi. 

 Hy vọng ngày mai tâm trạng của Luna sẽ khả quan hơn và ăn đủ khẩu phần.

Monday, February 10, 2014

Đón cún về nhà


Sau những ngày dài mong chờ và chuẩn bị thì cuối cùng ngày trọng đại cũng đã đến, đi đón Luna thôi yay yay yay. Và vì là ngày đầu tiên cún tiếp xúc với gia đình mới nên mọi thứ phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng để giảm thiểu căng thẳng cho cún khi phải xa mẹ, xa anh chị em để đến một môi trường mới với những con người hoàn toàn mới. Từng bước từng bước một sẽ diễn ra như sau:

1. Trước khi rời nhà

Trước khi rời nhà đi đón cún, bạn hãy kiểm tra lại một lần nữa để chắc chắn mọi thứ đã sẵn sàng, ví dụ như bạn đã mua đầy đủ mọi thứ cần thiết cho cún chưa, trong nhà có những vật dụng gì cần cất đi để cún không nghịch ngợm linh tinh chưa... Bạn cũng nên có sẵn tên cho cún để ngay lập tức có thể cho cún làm quen với tên gọi mới của mình. Tùy thuộc vào khoảng cách giữa nhà của bạn và nhà chủ cũ của cún mà bạn có thể mang chuồng cho chó, túi, thùng carton nhỏ hay đơn giản chỉ là để cún ngồi trong lòng bạn. Với bọn mình thì sẽ mất khoảng 1 giờ đi xe nên bọn mình quyết định mang một chiếc thùng carton nhỏ cho cún nằm để đề phòng giữa đường cún có muốn đi vệ sinh hay bị say xe thì không bị bẩn ra người bọn mình hay ra xe. Ngoài ra bạn cũng nên mang theo 1 món đồ chơi hoặc áo phông cũ theo để chúng bám mùi của chó mẹ ở nhà chủ cũ, trong đêm đầu tiên xa mẹ, cún của bạn sẽ cần tới mùi hương này để đỡ nhớ nhà hay cảm thấy lạc lõng. Bọn mình thì để 2 món đồ đó ở nhà chủ cũ của Luna từ 2 tuần trước khi đón Luna lận, tại tiện thể đi thăm khi Luna được 5 tuần tuổi mà. 

2. Tại nhà của chủ cũ

Khi đến nhà người nuôi chó, bạn nhớ lấy 2 món đồ ở trên ra và để ở gần chó mẹ hoặc chỗ mà đàn chó ngủ. Bạn cũng nên dành một chút thời gian để làm quen với cún chứ đừng vội vã đón cún về ngay. Bạn có thể dắt cún đi dạo một chút để cún có thể đi vệ sinh và đốt chút năng lượng, sau này trên xe cún sẽ nằm ngoan hơn và không để xảy ra "tai nạn" nào. 

3. Trên xe

Hãy đảm bảo là cún luôn thấy bạn để không cảm thấy bị bỏ rơi. Bạn có thể vuốt ve cún nhẹ nhàng, không nên đùa giỡn nhiều gây kích động cho cún. Nên đi đón 2 người để 1 người có thể lái xe an toàn trong khi người kia sẽ chăm sóc cún.

4. Xuống xe

Khi về gần đến nhà, bạn nên dừng xe và dắt cún đi dạo quanh nhà để cún làm quen với khu vực sống mới cũng như đi vệ sinh sau chuyến đi dài. Nên nhớ là thời gian cún có thể nhịn đi vệ sinh bằng với số tháng tuổi của cún cộng thêm một, ví dụ như ở thời điểm bọn mình đón thì Luna 2 tháng tuổi, tức là Luna chỉ có thể nhịn đi vệ sinh được tối đa 3 tiếng thôi. Bạn không nên cho cún vào nhà ngay mà nên bắt cún dừng trước cửa một lúc, đợi mọi người vào nhà hết sau đó mới cho phép cún vào. Mẹo nhỏ này giúp cún hiểu rằng bạn mới là chủ nhà và dưới sự cho phép của bạn, cún mới được vào nhà. Nó cũng rất hữu ích trong việc dạy dỗ cún sau này vì nếu cún không chịu coi bạn là chủ nhân thì nó sẽ không nghe lời bạn. 

6. Vào nhà

Vì còn bỡ ngỡ và lạ nhà nên cún có thể sẽ hơi nhút nhát. Bạn không nên bắt cún khám phá hết toàn bộ ngôi nhà mà nên dần dần cho cún làm quen với từng phòng một, vẫn cùng một quy tắc như khi vào nhà, đó là bạn bắt cún dừng ở cửa, bạn vào phòng trước rồi mới cho cún vào. Khi vào phòng, hãy để cún tự do ngửi và khám phá căn phòng. Bạn cũng có thể cho cún ăn uống một chút nếu cún chưa ăn đủ khẩu phần cho ngày hôm đó, nhớ dắt cún đi vệ sinh sau khi ăn để tránh xảy ra "tai nạn đáng tiếc". Còn lại hãy để cún có thời gian tự chơi, tự khám phá và tự làm quen với căn nhà mới dưới sự giám sát của bạn.

Mai sẽ là ngày trọng đại của bọn mình đây, thật là hồi hộp quá đi, hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp. Mình sẽ sớm update thông tin ngay.

Friday, February 7, 2014

Danh sách những thứ cần mua cho cún

Đây là một số thứ mình mới mua cho Luna

Shopping là sở thích của mình. Bây giờ khi trong nhà chuẩn bị có chó con, mình lại xuất hiện thêm sở thích mới là shopping đồ dành cho cún. Sau một hồi tìm hiểu, mình rút ra những thứ phải có trước khi đón cún yêu về nhà. 

1. Trước tiên và quan trọng nhất là chuồng cho chó. Trong thời gian đầu khi chó con còn nhỏ, do chưa thể kiểm soát được bàng quang nên có thể nó sẽ đi vệ sinh bừa bãi ra nhà nếu bạn không để ý. Nhốt chó vào chuồng sẽ đảm bảo việc này không xảy ra vì bản năng của chó là không phóng uế ra chỗ nó ở. Chó con sẽ lớn rất nhanh nên khi mua chuồng, bạn hãy mua cái chuồng có thể đảm bảo sẽ chứa được chó trưởng thành. Với Samoyed, bọn mình chọn chuồng sắt cỡ 107 x 78 x 81cm để đảm bảo khi trưởng thành, chó của mình có thể đứng ngồi thoải mái trong chuồng. Tuy nhiên khi chó còn nhỏ, bạn nên dùng 1 tấm vách ngăn chuồng nhỏ lại cho phù hợp với kích cỡ của chó vì nếu chuồng quá lớn, chó con sẽ ngủ ở đầu này và đi vệ sinh ở đầu kia của chuồng.

2. Bát đựng nước và thức ăn cho chó. Trên thị trường có rất nhiều loại bát làm bằng nhựa, sứ, thép không rỉ nhưng bọn mình chọn thép không rỉ để đảm bảo Samoyed không thể gặm hỏng hay làm vỡ được.

3. Vòng đeo cổ, bảng tên và dây dắt chó đi dạo. Bạn đừng quên viết tên và địa chỉ liên lạc của mình vào bảng tên cho chó để đề phòng chó đi lạc thì người ta còn biết đường trả về.

4. Lược chải lông, bấm móng chân, sữa tắm. Đây là những vật dụng quan trọng để giữ cho chó của bạn luôn có vẻ ngoài xinh đẹp và giữ được sự thoải mái khi đi lại cho chó. Bấm móng chân là một công việc không đơn giản và cả chủ và cún đều không thích nhưng bạn nên cố gắng tập cho cún quen với việc này từ khi còn nhỏ thì sẽ dễ dàng hơn. Cũng nên tạo thói quen cắt móng chân cho cún 2 tuần một lần, tắm 1 tháng 1 lần.

5. Bàn chải đánh răng và kem đánh răng cho chó. Phải nhớ mua sản phẩm dành riêng cho chó nhé, cố gắng tìm bàn chải có 2 đầu to và nhỏ để tiện sử dụng khi chó còn nhỏ cũng như khi trưởng thành. Kem đánh răng chó vị thịt sẽ khiến chó thích thú hơn. Mặc dù trên thị trường có bán các loại thực phẩm để vệ sinh răng cho chó nhưng mình thấy đánh răng vẫn là cách hữu hiệu nhất để chăm sóc sức khỏe răng miệng cho chó.

6. Thức ăn cho chó con. Chó con có chế độ dinh dưỡng khác với chó trưởng thành, chó con cần nhiều dưỡng chất và protein hơn để phát triển toàn diện nên bạn cần để ý thông tin dinh dưỡng in trên bao bì sản phẩm. Vì Samoyed là giống chó vừa-to nên chó con cần sự phát triển chậm và ổn định, thức ăn cho chó con nên bao gồm không quá 28% protein và không quá 18% chất béo. Với chó con nên cho ăn ngày 3-4 lần, còn chó trưởng thành ngày 2 lần.

7. Thức ăn khi huấn luyện. Nên chọn loại thức ăn mềm và nhỏ để chó con có nhanh chóng ăn hết và quay lại thực hiện lệnh huấn luyện tiếp theo. Đơn giản hơn, bạn có thể chỉ cần lấy 1 thanh xúc xích, cà rốt hay táo cắt nhỏ để làm thức ăn huấn luyện, vừa tiết kiệm lại vừa có lợi cho chó con.

8. Clicker. Cái này chỉ là optional thôi nhưng là một công cụ khá hữu hiệu khi huấn luyện cho thay cho thức ăn.

9. Đồ chơi cho chó con. Có rất nhiều loại đồ chơi cho chó như đồ chơi hình xương, đồ chơi phát ra tiếng kêu,  thú nhồi bông... mục đích là để thỏa mãn tính thích gặm của chó con và đốt bớt năng lượng để cún ngủ cho ngon và không nghịch linh tinh trong nhà.

Tạm thời với danh sách trên thì cả chủ và cún có thể sống sót yên ổn qua những tuần đầu tiên bên cạnh nhau rồi. À mình xin thông báo luôn chó con nhà mình sắp nuôi là chó gái, bọn mình quyết định đặt tên là Luna. Ngày 11/2 này Luna sẽ chính thức về với bố mẹ nuôi. Vợ chồng mình đang rất háo hức chờ đón Luna và ngày đêm tìm đọc các tài liệu về cách chăm sóc và huấn luyện chó con, khi nào có điều kiện, mình sẽ chia sẻ tiếp nhé.

Thursday, February 6, 2014

Một số lưu ý trước khi nuôi chó

Là người lần đầu tiên nuôi chó, mình có rất nhiều lo ngại, nhiều câu hỏi mà không biết phải hỏi ai, cuối cùng chỉ có bác google là dồi dào câu trả lời nhất. Dưới đây mình xin tổng kết một số kiến thức mà mình học hỏi được.

1. Chó trai hay chó gái?

Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên sau quyết định nuôi chó của mình. Về mặt tình cảm thì chó trai sẽ quấn người hơn và đòi hỏi nhiều sự quan tâm của chủ hơn còn chó gái thì nhiều khi thích có khoảng không gian riêng. (Khác con người ghê ha, con gái thường hay tình cảm hơn là con trai.) Chó gái thường nhỏ hơn và nhẹ hơn chó trai. Chó gái thường dễ huấn luyện hơn chó trai. Tuy nhiên với chó gái vào mùa sinh sản, bạn sẽ cần để ý tới chó nhiều hơn nếu không muốn sàn nhà bị bẩn bởi máu kinh nguyệt của nó hoặc xảy ra sự cố "chó con ngoài ý muốn" bởi chó gái sẽ tiết ra chất quyến rũ chó trai đến gần. Nói chung nếu bạn không muốn có chó con thì có thể đi triệt sản cho chó trai và chó gái. 

2. Bạn đã sẵn sàng để nuôi chó chưa?

Ngoài sở thích về một giống chó nhất định, bạn cũng nên xem lại điều kiện và khả năng của mình. Ví dụ như với Samoyed của mình, vì là giống chó lao động nên bọn mình phải đảm bảo trong tương lai có thể dành ra mỗi ngày ít nhất 1 tiếng để chơi và rèn luyện sức khỏe cho chó. Samoyed có bộ lông đẹp nhưng để duy trì được bộ lông đó, bọn mình phải chải lông cho chó ít nhất 1 tuần một lần hoặc nhiều hơn vào thời điểm rụng lông. Samoyed có tuổi thọ khá lâu, trung bình khoảng 12-13 năm nên nuôi chó cũng là một cam kết lâu dài chứ không chỉ một chốc một lát theo xu hướng. Ngoài ra với giống các giống chó thuần chủng, khả năng mắc các bệnh di truyền sẽ cao hơn nên các chi phí chăm sóc sức khỏe cho chó cũng có thể trở thành gánh nặng kinh tế. Khi chọn mua chó con, bạn nên tìm hiểm kỹ về lịch sử sức khỏe của chó bố và chó mẹ để giảm thiểu khả năng mắc bệnh di truyền của chó con. Vợ chồng mình cũng đang cân nhắc đến việc mua bảo hiểm cho chó để đảm bảo lợi ích cho cả chủ và cún. Và đương nhiên bạn phải tìm hiểu rất nhiều về tính cách của giống chó mình định nuôi, cách chăm sóc chó con rồi chó trưởng thành, cách huấn luyện chó, các hoạt động thể chất phù hợp với giống chó của mình. 

Đó là những câu hỏi mà mình đã trải qua và đã tự trả lời được trước khi nhận nuôi chó. Mình hy vọng các chủ nhân tương lai của chó cũng sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng để đảm bảo sau này sẽ không có chú chó nào vô tình bị bỏ rơi ngoài đường hay phải chết vì những thiếu hiểu biết không đáng có của chủ nhân. 

Wednesday, February 5, 2014

Quyết định nuôi chó


Từ trước đến nay mình vẫn là người yêu chó. Hồi mình học cấp 1, nhà mình cũng từng nuôi một em chó gái tên là Mích, nhưng mình còn bé quá nên không nhớ được nhiều về Mích. Sau này lớn lên, mẹ không cho nuôi chó, một phần vì nhà chật, một phần vì mẹ sợ cả nhà không ai chịu chăm sóc ngoài mẹ. Mình vẫn luôn mơ ước khi nào có gia đình riêng, nhất định sẽ phải nuôi một chú chó cho thỏa lòng yêu thương. Và bây giờ, với sự đồng tình của chồng, nhà mình quyết định nhận nuôi một chú chó. Bước đầu vậy là tạm ổn, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn mà hihi.

Bước tiếp theo là tìm giống chó thích hợp để nuôi. Mặc dù cả 2 vợ chồng đều rất yêu chó nhưng khổ một nỗi chồng mình lại bị dị ứng với chó. Nhà mẹ chồng mình cũng nuôi chó, lần nào hai vợ chồng đến chơi độ vài tiếng là chồng mình bắt đầu bị sổ mũi, hắt xì hơi, da dẻ đỏ ửng cả lên, phải uống thuốc dị ứng mới đỡ. Thế nên việc đầu tiên mình làm là google cụm từ "hypoallergenic dog breeds". Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng dị ứng đến từ lông chó, trên thực tế, người ta thường dị ứng với cái gọi là "dander" (tức những mảnh vảy cám từ da chó), nước bọt hoặc nước tiểu của chó. Trên thực tế không có giống chó nào là đảm bảo 100% sẽ không khiến người nuôi bị dị ứng, một số người chỉ dị ứng với một giống chó nhất định, có những người ban đầu nuôi có thể bị dị ứng nhưng sau một thời gian cơ thể lại quen dần với con chó đó và không bị dị ứng nữa. Sau một hồi nghiên cứu, vợ chồng mình quyết định sẽ nuôi Samoyed.

May mắn sao, vào thời điểm hai vợ chồng quyết định nuôi chó (tức là đầu năm nay) thì biết tin có một đàn chó con 3 trai 3 gái mới để vào đúng đêm Giáng Sinh 24/12 và lại ở cách nơi mình sống chưa đến 100km. Vậy là bọn mình lập tức liên lạc với Riita, chủ nhân của đàn chó và hôm sau đến thăm nhà ngay để xem chồng mình có bị dị ứng với giống chó này không. Nhà Riita nuôi tận 6 chú chó Samoyed, cộng thêm 6 chó con mới đẻ nữa nên trong nhà có tới 12 chú chó. Sau một tiếng đầu tiên trôi qua không có vấn đề gì. chồng mình bắt đầu có triệu chứng dị ứng. Nhưng bọn mình đã yêu mất rồi. Những chú chó Samoyed quả thật rất ngoan, rất thân thiện, rất quấn quýt với người. Nên sau khi về nhà, tại nghiên cứu tìm hiểu nhiều diễn đàn và ý kiến của nhiều người khác nhau, bọn mình vẫn quyết định sẽ nhận nuôi một chú chó con. 

Trong ảnh là chó mẹ Tiuka đang cho đàn chó con bú. Lúc bọn mình đến thăm, đàn chó con mới được 10 ngày tuổi, một số đã mở mắt, di chuyển còn rất chậm chạp, cả ngày chỉ ăn rồi ngủ, như trẻ sơ sinh vậy. Cả chó bố và chó mẹ đều khỏe mạnh về mắt và hông, đặc biệt là chó mẹ, và đạt nhiều giải thưởng trong các dog shows nên mình hy vọng chó con cũng sẽ được như vậy.

Bài tiếp theo mình sẽ viết về những điều mà bọn mình đã chuẩn bị và học hỏi được về giống chó Samoyed cũng như cách nuôi dạy chó trong thời gian chờ đón chó con về nhà.