Tuesday, June 24, 2014

Tất tần tật về chuồng chó (p2)

phần 1 mình đã giới thiệu về cách chọn chuồng thích hợp cho cún ở các kích cỡ khác nhau. Hôm nay mình sẽ tiếp tục viết về cách chuẩn bị chuồng cho cún, giới thiệu cún làm quen với chuồng cũng như ở một mình trong chuồng đi chủ đi vắng. 



1. Chuẩn bị chuồng

Tùy thuộc vào từng loại chó và thời tiết mà bạn có thể giúp chuồng trở nên ấm cúng và thân thuộc hơn bằng cách đặt vào đó một tấm chăn hoặc khăn để làm đệm. Nếu cún mới xa mẹ để về ở nhà mới thì bạn nên làm như mình trước đây để giúp Luna đỡ nhớ mẹ. Đó là trước khi đón Luna về, mình để lại một chiếc áo phông cũ cùng chó mẹ và đàn chó con để chiếc áo thấm mùi ở nhà cũ. Sau đó khi đến đón Luna, mình mang chiếc áo phông này về đặt trong chuồng cho Luna trong những ngày đầu tiên để Luna đỡ nhớ mẹ và từ từ quen với nhà mới và chủ mới. Cách này rất hiệu quả, cụ thể là những đêm đầu tiên ở nhà Luna không hề kêu khóc gì ban đêm mà ngủ khá ngoan. 

Nếu bạn định để cún trong chuồng từ 2 tiếng trở nên thì bạn nên đặt một bát nước nhỏ trong chuồng để đề phòng cún bị khát. Tuy nhiên điều này chỉ làm khi cún đã thật sự quen với chuồng và không xảy ra tai nạn nào. Như mình với Luna bây giờ thì trước khi nhốt vào chuồng mình sẽ cho Luna uống nước trước và khi về nhà thì ngay sau khi thả Luna ra khỏi chuồng, mình đưa Luna đi vệ sinh rồi uống nước nên mình thấy không có vấn đề gì với Luna cả.

Để chuồng trở nên hấp dẫn hơn với cún, bạn có thể đặt vào đó một vài món đồ chơi hoặc chiếc xương ngon lành để cún có thể gặm nhấm chơi bời khi bạn đi vắng. Tuy nhiên phải đảm bảo rằng những món đồ này an toàn với cún, cún sẽ không bị hóc hay gặp phải tai nạn gì khi chơi/ gặm.

2. Giới thiệu cún với chuồng mới

Nên đặt chuồng ở nơi hay có người qua lại để cún không có cảm giác cô đơn và bị cô lập, đặc biệt là với cún con mới về nhà. Hãy chuẩn bị chuồng sẵn sàng trước khi đón cún về để cún có cảm giác chiếc chuồng là một đồ vật bình thường như mọi đồ vật khác trong nhà chứ không phải thứ gì xa lạ. Nếu có thể, bạn hãy để chuồng cún trong phòng ngủ của mình vào ban đêm bởi cảm giác có người bên cạnh sẽ giúp cún thấy yên tâm hơn, hơn nữa cún sẽ dần dần quen với thói quen ngủ của bạn để tạo thói quen ngủ cho mình. Như với mình thì khoảng 2, 3 tuần đầu khi Luna mới về, mình để Luna ngủ trong chuồng đặt trong phòng ngủ của mình. Rồi sau một thời gian, thấy Luna đã hoàn toàn quen với chuồng và ngủ ngoan thì mình để Luna ngủ một mình ngoài phòng khách.

Ban đầu, hãy giới thiệu cún với chuồng mới bằng cách đặt thức ăn thành một đường dài dẫn vào chuồng, trong đó bạn có thể đặt sẵn đồ chơi thú vị. Đừng tiếc lời khen ngợi cún và hãy để cửa chuồng mở để cún có thể ra vào bất kỳ lúc nào mình muốn. Sau đó đóng cửa một thời gian và kéo dài lên dần. Không nên mở cửa chuồng khi cún kêu bởi cún sẽ học được rằng khi không thích ở trong chuồng chỉ cần kêu thì bạn sẽ mở. Hãy cố gắng đợi đến khi cún ngừng một chút thì nhanh chóng mở chuồng ngay.

Hạn chế tối đa việc dùng chuồng làm nơi phạt cún khi cún làm điều gì đó sai, đặc biệt là khi cún chưa quen với chuồng. Hãy làm sao để cún cảm thấy chuồng là một nơi vui vẻ mà cún được chơi, được ăn ở đó. Đơn giản nhất là hãy cho cún ăn ngay trong chuồng, khen cún mỗi khi cún tự đi vào chuồng, huấn luyện một số lệnh đơn giản như ngồi, bắt tay ở trong chuồng hoặc chơi đồ chơi cùng cún ở trong chuồng. 

3. Giúp cún quen với việc ở một mình

Khi cún đã hoàn toàn quen với chuồng và thoải mái với việc ở trong chuồng khi cửa chuồng bị đóng thì bạn có thể tiến hành để cún ở trong chuồng một mình. Ban đầu hãy đi sang phòng khách trong vài phút, rồi dần dần tăng thời gian lên. Sau đó khi cún đã quen với việc ở trong chuồng ít nhất 30 phút thì bạn có thể bắt đầu đi khỏi nhà ban đầu là vài phút rồi tăng lên dần. Tùy theo độ tuổi mà thời gian cún ở một mình sẽ khác nhau, bạn có thể làm theo hướng dẫn sau:
  •  9 - 10 tuần tuổi: 30 - 60 phút
  • 11 - 14 tuần tuổi: 1 - 3 tiếng
  • 15 - 16 tuần tuổi: 3 - 4 tiếng
  • 17 tuần tuổi trở lên: 4 - 6 tiếng
Tất nhiên ngoại trừ việc ngủ ban đêm thì bạn không nên để cún trong chuồng quá 6 tiếng một ngày. Khi bạn về nhà, nếu cún im lặng thì hãy khen cún rồi cho cún ra ngoài. Không nên khen thưởng nếu cún tỏ ra quá phấn khích hay kêu sủa vì đó là thói quen xấu, hãy đợi khi cún bình tĩnh lại trở lại rồi hãy mở cửa chuồng. Một điều cần thiết nữa là trước khi nhốt cún vào chuồng và khi thả cún ra phải cho cún đi vệ sinh ngay, đặc biệt là với cún còn nhỏ tuổi. 

Chúc các bạn thành công!

Tuesday, June 10, 2014

Tất tần tật về chuồng chó (p1)

Càng ngày mình càng thấy mua chuồng cho Luna quả là một quyết định thật sáng suốt bởi chó có thói quen không đi bậy ra nơi ở của mình nên ban đêm đi ngủ hoặc khi đi vắng, mình nhốt Luna vào chuồng là có thể yên tâm sẽ không có tai nạn gì xảy ra. Trong bài này mình sẽ hướng dẫn mọi người các chọn từng loại chuồng và kích thước chuồng cho phù hợp. 

1. Các loại chuồng

Về cơ bản thì trên thị trường có 3 loại chuồng như hình trên, thứ nhất là làm bằng thanh sắt, thứ hai là làm bằng vải và thứ ba là làm bằng nhựa. Mình sẽ phân tích đặc điểm của từng loại.


Chuồng sắt


Chuồng vải
 

Chuồng nhựa


Ưu điểm nổi bật nhất của loại chuồng này là bền và chắc chắn, đặc biệt là với các loại chó lớn và khỏe. Ngoài ra các thanh sắt cũng giúp bạn có thể quan sát cún và ngược lại, cún có thể biết điều gì đang diễn ra xung quanh.

Loại chuồng này thích hợp để cố định trong nhà khi chủ đi vắng vì bạn có thể yên tâm rằng cún sẽ không thể thoát ra ngoài.


Chuồng vải thì nhẹ và dễ gập lại nên rất thích hợp khi bạn muốn mang cún trên xe ô tô. Tuy nhiên cũng vì chúng nhẹ và mỏng manh nên thích hợp nhất cho các loại chó nhỏ ở nhà và khi di chuyển.

Chuồng nhựa là loại chuồng duy nhất mà phần lớn các hãng hàng không chấp nhận trên máy bay. Vì vậy nếu bạn muốn thường xuyên đi du lịch cùng cún cưng thì bạn nên mua chuồng này.

Chuồng nhựa cũng tương đối chắc chắn và đủ thông thoáng để chó và chủ có thể nhìn thấy nhau. 


Với Luna thì mình chọn chuồng sắt vì chủ yếu mình muốn Luna có 1 chỗ cố định trong nhà để ngủ ban đêm hoặc khi mình đi vắng. Khi Luna còn bé, khi muốn đưa Luna đi chơi cùng thì mình hay dùng dây thắt dành riêng cho chó trên ô tô như trên ảnh, nhưng Luna có vẻ không khoái lắm, cứ đi đi lại lại không chịu ngồi yên làm mình toàn phải ngồi ở ghế sau cùng Luna. Còn bây giờ khi Luna đã tương đối lớn rồi thì mình cho Luna đứng ngồi thoải mái ở phần để hành lý đằng sau xe, thấy Luna có vẻ thích thú hơn nhiều mà cũng tiện lợi hơn cho mình nữa.

2. Kích thước chuồng

Chuồng nên đủ rộng để cún có đủ chỗ để đứng, ngồi, duỗi người thoải mái nhưng cũng không quá rộng vì cún sẽ dùng một phần chuồng làm chỗ ngủ và phần còn lại làm chỗ đi vệ sinh. Chính vì vậy nên kể từ khi cún còn nhỏ cho đến khi trưởng thành bạn có thể sẽ phải mua nhiều chuồng với kích cỡ khác nhau. Nhưng để tiết kiệm thì bạn có thể làm như mình: mua chuồng phù hợp với kích cỡ của cún khi trưởng thành rồi dùng một tấm gỗ chia chuồng làm hai phần. Khi cún lớn dần thì mình sẽ từ từ dời tấm gỗ sang bên phải để chuồng to hơn phù hợp với kích cỡ mới của cún và cũng có có thời gian làm quen với không gian rộng hơn. Tuyệt đối không nới rộng chuồng một cách đột ngột. 


Dưới đây mình đưa ra bảng chọn kích thước chuồng cho cún dựa vào cân nặng với tính chất tham khảo. 

Cân nặng cún

Kích thước chuồng
(chiều cao x chiều dài)

Giống chó

< 5 kg
30 x 50 cm
Yorkie, Chihuahua, Pomeranian, Maltese, Papillion
5 – 10 kg
45 x 60 cm
Shih Tzu, Pug, Cairn Terrier, Dachshund, Poodle, Boston Terrier, Miniture Pinscher, Bichons Frises, West Highland Terrier, Frech Bulldog, Pekingese, Chinese Crested, Brussel Griggon
11 – 20 kg
50 x 75 cm
Beagle, Miniature Schnauzer, Shetland Sheepdog, Scottish Terriers, American Stanffordshire Terrier
20 – 35 kg
60 x 90 cm
Boxer, Bull dog, Cocker Spaniel, Welsh Corgi, Basset Hound, English Springer Spaniel, Australian Sheperd, Bull terrier, Samoyed
35 – 45 kg
70 x 105 cm
Labrador Retriver, Golden retriever, German shepherd, Rottweiler, Doberman, Siberian Huskey, Collies, Chow Chow, Border Collie
> 45 kg
75 x 120 cm
Alaskan Malamute, Bernese Mountain dog, Great Dane, Old English Sheepdog, St Bernard

Ở bài sau mình sẽ viết về cách dạy cún làm quen với chuồng của mình cũng như việc ở một mình trong chuồng khi chủ đi vắng.