Wednesday, December 24, 2014

Luna tròn 1 tuổi

Nhân dịp sinh nhật Luna, chị gái mình có viết tặng Luna một bài blog.


Hôm nay là ngày sinh nhật Luna tròn một tuổi. Với số lần sang thăm ít ỏi (2 lần, vào tháng 4 và tháng 11, mỗi lần khoảng chục ngày), kỷ niệm với Luna chưa thể gọi là nhiều - có lẽ cũng chỉ vừa đủ để hiểu rằng Luna giờ đã trở thành một phần không thể thiếu của gia đình, có lẽ cũng chỉ vừa đủ để thỉnh thoảng thấy sống mũi cay cay khi nghĩ về Luna và tình yêu thương chân thật ấy, có lẽ cũng vừa chỉ đủ để bật cười và thấy đời tươi sáng hơn mỗi khi xem lại những bức ảnh về "nụ cười Samoyed" được lưu trên điện thoại...

Cùng với một số cảm giác có lẽ chẳng bao giờ quên được...

Ấy là lúc nằm ngủ với Luna trên giường - ko phải kiểu mình quay sang ôm lấy Luna, mà là kiểu hai bạn nằm dựa lưng vào nhau. Hôm đó mình cảm thấy tương đối đau lưng sau mấy ngày trên cái đệm mềm oặt đã đến lúc phải thay (hmmm!!!) nên đành nằm nghiêng quay mặt vào tường. Rồi tự nhiên thấy Luna nhảy lên giường,cuộn tròn tựa lưng vào người mình một cách quả quyết và chắc chắn. Trong khoảnh khắc ấy, trước sự vừa ngạc nhiên vừa cảm động của mình, cơn đau lưng biến mất, chỉ còn lại cảm giác êm ái lạ lùng. Nó giống như cảm giác hồi còn bé, mỗi lúc bị ốm và sốt cao, chỉ cần bàn tay mát mát của mẹ đặt lên trán, hay lên đỉnh đầu, là mọi cơn đau sẽ dịu lại, như có thuốc tiên. Mình nhận ra rằng, có một số tạo vật trên đời, như mẹ, như Luna, mà bản năng che chở và bảo vệ của họ lớn đến mức tràn ra cả xung quanh, khiến những người may mắn được chạm vào họ, như mình, luôn cảm thấy an toàn và yên tâm.

Thỉnh thoảng khi đã tắt đèn đi ngủ, và Luna cũng có vẻ ngủ rồi, mình ngẩng đầu dậy hỏi, "Này Luna, suy cho cùng điều gì là quan trọng nhất?" Chẳng biết Luna có hiểu ko, nhưng chắc nghe nhắc tên :P, nên cũng chạy lại, tựa cằm vào mép giường ra vẻ cảm thông với câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn ấy. Mình xoa người Luna vài cái, rồi hai bạn chìm vào giấc ngủ.

Câu hỏi Điều gì là quan trọng nhất có lẽ không phải là một câu hỏi quan trọng đối với Luna, bởi Luna vốn đã luôn có câu trả lời. Điều quan trọng nhất với Luna là được ở cạnh bố mẹ - hai người mà Luna yêu thương nhất. Mỗi khi cả hai bố mẹ ra khỏi nhà, Luna đều luống cuống chạy lại cửa sổ, bám chân lên thành cửa đứng nhìn và khóc ư ử như thể rất lo sợ rằng bố mẹ sẽ đi mãi ko bao giờ trở về với Luna nữa. Những lúc như thế, mình thường ôm lấy Luna vỗ về, "Don'tworry. They're coming back soon" - cứ thế cho đến khi Luna ngừng khóc.

Đôi khi mình tự hỏi, tại sao việc cả hai bố mẹ đi ra ngoài cùng lúc đã xảy ra rất nhiều lần rồi mà Luna vẫn ko thể quen được, vẫn luôn có cái cảm giác cuống quít sợ hãi như sắp bị bỏ rơi? Rồi mình nghĩ, là một đứa trẻ, Luna ko có nhiều khái niệm về thì tương lai, về cái gọi là "rồi sẽ quay trở lại". Luna chỉ biết rằng bây giờ, tại đây, Luna cần được trông thấy bố mẹ - bố mẹ có thể làm việc của bố mẹ, Luna sẽ tự chơi một mình (và ba nhân vật trong cái motif gia đình hạnh phúc ấy trông sẽ có vẻ chẳng liên quan gì đến nhau :))), miễn là bố mẹ đừng bao giờ chạy khỏi tầm mắt của Luna. Niềm vui của Luna là được chia sẻ mọi phút giây hiện tại với những người mà Luna yêu quý, dù chỉ trong yên lặng. Với Luna, lần đầu tiên mình hiểu được rằng, insecure cũng có thể là một cảm xúc tích cực :).

Nhân ngày sinh nhật, chúc Luna...sớm hết bị rụng lông :D và luôn là một đứa trẻ hạnh phúc như bây giờ, với tất cả những tình yêu thương và sự quan tâm vô điều kiện mà Luna đang dành cho những người xung quanh :). Happy, happy birthday <3.

Monday, October 13, 2014

Chăm sóc răng miệng

Mặc dù Luna thì đã qua thời kỳ thay răng từ lâu rồi nhưng tự nhiên bây giờ mình mới nhớ ra đề tài này để viết blog, mà blog dạo này cũng bị bỏ bê nhiều quá cơ.

Tương tự như người, chó cũng có hai bộ răng trong cuộc đời của mình. 28 chiếc răng sữa mọc khi chó con được khoảng 3 đến 6 tuần. Do chó con không cần nhai nhiều thức ăn nên chúng không có răng hàm. Bắt đầu từ khoảng tháng thứ 4, răng sữa của chó con sẽ bắt đầu rụng, nhường chỗ cho những chiếc răng mới sẽ theo suốt cuộc đời của chúng. Tuy một số loài có thể khác nhau một chút nhưng phần lớn chó trưởng thành có 42 chiếc răng trong đó răng hàm sẽ mọc sau cùng vào khoảng tháng thứ 6 hoặc thứ 7.

Thứ tự thay răng của chó con thường là răng cửa trước, sau đó đến răng nanh và cuối cùng là răng hàm, mặc dù với Luna thì hai chiếc răng nanh mãi mới rụng nhường chỗ cho răng mới. Thời kỳ thay răng có thể khá khó khăn bởi chó con sẽ muốn gặm rất cả mọi thứ, có thể chảy dãi nhiều hơi, nhạy cảm hơn và kén ăn. Một bộ răng đẹp là khi hàm răng trên đan xen với hàm răng dưới khi ngậm mồm, điều này sẽ giúp răng không bị mài mòn khi nhai. 

Có thể bạn sẽ không hề biết chú cún của mình đang trong thời kỳ thay răng bởi chó thường có thói quen nuốt luôn răng vào bụng. Nhưng khi chó được 4 tháng, bạn nên để ý xem xét răng cho cún bởi nếu răng sữa không rụng thì răng mới sẽ mọc bên dưới hoặc bên cạnh, gây ra nhiều vấn đề như tăng lượng cao răng, răng mọc lệch hoặc nướu (lợi) bị kích thích. Khi bạn thấy răng mới bắt đầu nhú lên mà răng cũ vẫn chưa rụng đi thì có thể chơi trò chơi kéo dây để kích thích răng rụng, không nên chơi quá mạnh khiến cún bị đau. Nếu vẫn không được thì bạn cần đưa cún đến bác sỹ thú y để nhổ răng.

Hàng tuần bạn nên vạch mõm cún lên để kiếm tra nướu, răng và hơi thở của cún. Về hơi thở thì bạn không thể mong đợi chúng thơm tho như người nhưng cũng không nên quá khó ngửi hay đi kèm với những hiện tượng như biếng ăn, nôn, uống quá nhiều nước hoặc đi tè quá nhiều. Nướu của cún có mà hồng, chứ không phải trắng hay đỏ và không có dấu hiệu bị sưng tấy. Hàm răng sạch và không có dấu hiệu màu nâu của cao răng.

Việc đơn giản và tiết kiệm nhất để chăm sóc răng miệng cho cún là đánh răng, cũng giống như người vậy. Nên cho cún làm quen với việc đánh răng ngay từ khi còn nhỏ. Để bắt đầu, bạn dùng tay mát xe nhẹ răng của cún theo hình tròn khoảng 30 giây đến 1 phút mỗi ngày. Khi cún đã quen hơn thì bạn cho một chút kem đánh răng cho chó lên ngón tay khi làm. Nên nhớ chỉ được dùng kem đánh răng dành riêng cho cún. Cuối cùng khi cún đã hoàn toàn thoải mái thì bạn sử dụng bàn trải đánh răng dành riêng cho cún (thường nhỏ hơn và mềm hơn bàn chải cho người) và đánh răng theo chiều ngang. Tốt nhất nên đánh răng hàng ngày cho cún bởi cao răng hình thành trong khoảng 12h sau khi ăn.

Ngoài việc đánh răng thì còn một số cách khác giúp bạn giữ gìn vệ sinh răng miệng cho cún yêu. Chẳng hạn như thức ăn khô tốt cho răng miệng của cún hơn là thức ăn ướt bởi thức ăn ướt dễ dính vào răng và gây sâu răng. Xương và một số đồ chơi để cún gặm cũng giúp làm khỏe răng và nướu, tuy nhiên cần chú ý độ cứng của xương và đồ chơi để cún không bị gãy răng. Bên cạnh đó thì trên thị trường cũng bán Dentastix cho cún gặm để làm sạch răng. Tuy nhiên cũng như người không chỉ dùng kẹo cao su và nước súc miệng để chăm sóc răng miệng thì cún cũng vậy, đánh răng vẫn là phương pháp hiệu quả nhất.

Wednesday, September 24, 2014

Tiêu chuẩn dành cho Samoyed

Ban đầu khi nhận nuôi Luna, vợ chồng mình chưa từng nghĩ sẽ tham gia các dog show. Nhưng sau khi nuôi một thời gian thì mình lại muốn thử cho Luna tham gia dog show để được ban giám khảo đánh giá xem ngoại hình của Luna như thế nào. Khi tìm một vòng trên mạng về các tiêu chuẩn ngoại hình cơ bản dành cho Samoyed, mình đã tìm được một tài liệu rất hay, xin được dịch ra tiếng Việt để mọi người tiện tham khảo.

1. Ngoại hình chung:

Về cơ bản thì Samoyed là giống chó lao động nên có ngoại hình khỏe mạnh, năng động và duyên dáng. Do Samoyed sinh sống và làm việc tại khu vực khí hậu lạnh giá nên có bộ lông dày và kháng cự tốt với thời tiết. Lưng của Samoyed không quá dài bởi nếu lưng yếu sẽ khiến Samoyed không thể hoàn thành tốt công việc, tuy nhiên sở hữu một thân hình mập và chắc như giống chó Chow cũng khiến Samoyed bị bất lợi trong công việc kéo xe. Người lai tạo chó nên cố gắng tạo ra Samoyed với thân hình vừa phải, không quá dài nhưng đủ cơ bắp và dẻo dai với phần ngực sâu, sườn cong, cổ khỏe, phần thắt lưng thẳng và khỏe. Cả chó đực và chó cái đều toát lên sức chịu đựng dẻo dai mà không bị thô.

Một con chó trưởng thành có chiều cao khoảng 53.5 cm tính từ vai xuống đất. Do chiều sâu cửa ngực nên chân có độ dài vừa phải. Chân sau phát triển khỏe mạnh, đầu gối và khuỷu chân có thể gập được thoải mái.

Khỏe mạnh, năng động và duyên dáng là những đặc điểm cơ bản của Samoyed mà mọi người lai tạo chó và ban giám khảo nên cân nhắc khi đánh giá chó. Sự khỏe mạnh đến từ bộ xương và cơ bắp nhưng cũng phải đi kèm với sự duyên dáng khi di chuyển. Một Samoyed điển hình hiếm khi đứng yên mà luôn sẵn sàng hành động khi cần thiết.

2. Tính cách 

Samoyed là giống chó thông minh, lanh lẹ, hiếu động và trên hết là luôn dành tình cảm cho con người nói chung. 

Do sống cùng trong lều với người Samoyed trong nhiều thế kỷ nên chó Samoyed có mối quan hệ tuyệt vời với con người. Chúng thông minh và độc lập, cho đi và hy vọng nhận lại tình cảm từ con người. Thiếu vắng sự tiếp xúc với con người là không thể chấp nhận được với giống chó này vì vậy chúng cần được giữ vui vẻ trong chuồng, cần được sự chú ý thường nhật và thỉnh thoảng là tiếp xúc thật lâu với con người. Nếu được dạy dỗ tử tế khi còn nhỏ thì khi lớn lên Samoyed sẽ rất hiếm khi trở nên nóng tính. 

3. Đầu và sọ

Samoyed có đầu hình cái nêm với hộp sọ phẳng và rộng, mõm có độ dài trung bình, mặt nhọn nhưng không có sắc cạnh, môi màu đen, phần lông trước tai ngắn và mượt, mũi màu đen là đẹp hơn cả nhưng có thể có màu nâu hoặc sáng hơn, hàm khỏe.

Đầu đẹp với tỷ lệ cân bằng và nụ cười điển hình ở Samoyed.
4. Mắt

Mắt hình hạnh nhân, màu nâu đến nâu đậm, cách xa nhau vừa phải, ánh lên vẻ lanh lợi và thông minh. Viền mắt màu đen và không bị đứt đoạn. Hai mắt cách xa nhau sao cho đầu nhọn của mắt nằm trên cùng dường thẳng với tai, điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở chó con. Độ rộng giữa hai mắt là cần thiết để cân bằng độ rộng của sọ và đảm bảo tỷ lệ cho đầu. Cần nhớ rằng mắt tối màu ở chó con có thể sẽ thay đổi khi được khoảng 2 tuổi để đạt được sắc nâu cần có.

Mắt hình hạnh nhân và cách xa nhau vừa phải
5. Tai

Tai dày, không có quá dài, hình tam giác, hơi tròn ở đầu tai, nằm cách xa nhau vừa phải và phần trong tai được che phủ bởi lông. Tai ở chó trưởng thành sẽ hoàn toàn dựng đứng lên. 

Hình trên bên trái: Đầu và tai đúng chuẩn
Hình trên bên phải: Tai quá dài và nhọn
Hình dưới bên trái: Hình dáng của tai chưa đúng
Hình dưới bên phải: Tai quá xa nhau

6. Mồm

Răng ở hàm trên sẽ đan chéo vào răng ở hàm dưới một cách chính xác, như vậy gọi là scissor bite. Để xác định răng mọc có đúng không, bạn chỉ cần lật phần môi ngay dưới mũi. Giống như lưỡi kéo đan vào nhau một cách chính xác, hàm răng trên và dưới của chó cũng nên đan xen vào nhau như vậy.

Hình bên trái: Hàm răng đúng với hình kéo
Hình ở giữa: Hàm trên bị lệch ra ngoài so với hàm dưới
Hình bên phải: Hàm dưới bị lệch ra ngoài so với hàm trên

7. Cổ

Cổ cong, khỏe và không quá ngắn.

8. Cẳng chân trước

Chân thẳng và cơ bắp với bộ xương khỏe. Nhìn từ phía trước, nếu ngực phát triển tốt thì hai chân sẽ cách xa nhau vừa phải, khi di chuyển hai chân sẽ tiến về phía trước chứ không bị chệch ra ngoài. Khi đứng, hai chân trước phải song song với nhau. Xương tốt là rất cần thiết, có hình tròn và phù hợp với kích thước của chó. Chân có độ dài vừa phải, tạo ngoại hình cân bằng. Chân quá dài hoặc quá ngắn sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng lao động của chó, tuy nhiên chân dài thì tốt hơn là chân ngắn.


Chân trước đúng - ngực có độ rộng vừa phải và hai chân song song
8. Mình

Lưng có độ dài vừa phải, rộng và cơ bắp. Ngực rộng, xương sườn sâu tạo nhiều chỗ cho tim và phổi. Do là giống chó biết săn mồi, chăn dắt và kéo xe nên cơ thể sẽ không đạt được sức khỏe cần thiết nếu chó quá cân bởi con chó quá cân sẽ sớm trở nên vô dụng.

9. Cẳng chân sau

Hai chân sau rất cơ bắp, đầu gối có thể gập dễ dàng, không bị dáng chân bò. Đầu gối tạo thành góc 45 độ so với mặt đất. Có thể dễ dàng nhận thất khớp đầu gối lỏng lẻo ở chó khi di chuyển bởi nó khiến chó di chuyển không được nhanh nhẹn và tự nhiên.

Hình bên trái: đầu gối hơi gập
Hình giữa: Đầu gối thẳng
Hình bên trái: Dáng chân bò
Hình bên trái: Cẳng chân sau đúng và dáng đi từ đằng sau:
Hình ở giữa: Hai chân quá gần nhau
Hình bên phải: Hai chân quá xa nhau
10. Chân

Chân dài, hơi phẳng và hơi duỗi ra. Chân trước không dài bằng chân sau nhưng có cổ chân đệm nối giữa cẳng chân và chân. Đối với chó được luyện tập thể dục, cổ chân tạo thành góc 60-70 độ so với mặt đất. Bàn chân được đệm bởi lông, đây là một đặc điểm nổi bật ở Samoyed. 

Hình trên bên trái: Chân đúng, chân dài và hơi duỗi ra
Hình trên bên phải: Đệm quá mỏng
Hình dưới bên trái: Chân mèo
Hình dưới bên phải: Ngón chân bị tõe
11. Đuôi

Đuôi dài và dầy, nằm ở trên lưng khi đề phòng, đôi khi buông thõng xuống khi thư giãn. Một chiếc đuôi đẹp là chiếc đuôi có lông dài và dày, nằm gần trên lưng và buông về một bên. 

Hình trên bên trái: Đuôi đúng
Hình trên ở giữa: Đuôi cuộn quá chặt
Hình trên bên phải: Đuôi cuộn hai lần
Hình dưới bên trái: Đuôi vồng lên quá cao
Hình dưới ở giữa: Đuôi thẳng đứng
Hình dưới bên phải: Đuôi cuộn chưa đủ

12. Bước đi

Samoyed nên di chuyển một cách nhanh nhẹn và khỏe mạnh, thể hiện sức mạnh và sự thanh lịch. Dáng đi là một yếu tố không dễ đánh giá và cần thời gian quan sát dài. Sức mạnh đến từ hai chân sau và tạo ra cảm giác khi di chuyển, con chó đang cố đẩy vật gì đó về đằng sau. Dáng đi đông không chỉ đơn giản là việc di chuyển dễ dàng. Khi nhìn từ đằng sau, hai chân sau phải di chuyển theo đường thẳng kéo dài từ hông mà không được sai lệch. Bất kỳ cử động đánh hông từ trái sang phải khi nhìn từ đằng sau đều thể hiện hông hoặc cơ bắp yếu. Sự thanh lịch được thể hiện rõ nhất khi nhìn từ hai bên khi chó bước đi, toàn bộ cơ thể đều thẳng và chuyển động trông dễ dàng, gọn gàng và nằm trong tầm kiểm soát.


Hình 1: Bước đi đúng nhìn từ trước
Hình 2: Hai chân bước quá rộng, giống ngựa
Hình 3: Hai chân bước quá gần nhau

13. Bộ lông

Cơ thể được bao phủ với lớp lông dưới dày, rậm, mềm và ngắn cùng lớp lông thô hơn mọc xen kẽ tạo thành lớp lông ngoài. Lớp lông ngoài nên thẳng đứng và không bị xoăn.

Bộ lông kép là một đặc điểm quan trọng ở Samoyed nhưng chó đực thường có bộ lông ngoài dài hơn chó cái. tuy nhiên chó cái không nên chỉ có một bộ lông dầy duy nhất. Bộ lông dài của chó không nên quá dài, nên hơi cứng và thẳng đứng, với chó cái có thể mềm hơn một chút.

14. Màu sắc

Samoyed có màu trắng tinh, trắng kem và màu bánh quy mặc dù màu trắng tinh là phổ biến nhất. Rất nhiều con chó lông bắt đầu ngả màu bánh quy khi về già. Tai chó thường là nơi hay có màu bánh quy nhất. Một số con chó có thể có những đốm màu nhỏ trên mặt và điều này là hoàn toàn chấp nhận được. Khi đưa ra ánh nắng có thể thấy lông hơi lấp lánh. 

15. Kích thước

Chó đực cao từ 51 - 56 cm tính từ vai.
Chó cái cao từ 46 - 51 cm tính từ vai.
Trọng lượng phù hợp với kích thước.

 Nguồn: Australian National Kennel Council

Wednesday, September 10, 2014

Đừng mua Samoyed

Thỉnh thoảng dạo một vòng Internet lại thấy có những bài viết rất hay về loài chó và Samoyed, ví dụ như bài Don't buy a Sam này chẳng hạn. Mình dịch ra để mọi người tiện nghiên cứu và suy ngẫm trước khi mua Samoyed hay bất kỳ loài chó nào bởi mỗi loài chó lại có những đặc điểm và nhu cầu khác nhau mà một số người thấy thú vị, một số thấy ghét còn số khác lại không thể chấp nhận được. 

Đừng mua Samoyed nếu bạn "chủ yếu" bị hấp dẫn bởi ngoại hình của nó

Ngoại hình của những chú Samoyed mà bạn nhìn thấy ở các dog show là sản phẩm của hàng giờ tắm rửa và chải chuốt. Vẻ đẹp nhân tạo đó sẽ nhanh chóng biến mất chỉ sau vài phút tự do đi dạo trên cánh đồng hay trong mưa. Ngoại hình tự nhiên của Samoyed là một chú chó trang trại to lớn, xù xì với một ít bụi bẩn và cỏ dại bám vào lông. Vẻ đẹp thật sự của Samoyed nằm ở tính cách chứ không phải ngoại hình. Ngoại hình của một số giống chó lông dài và đa số giống chó lông ngắn ít phụ thuộc vào việc chải chuốt hơn ngoại hình của Samoyed.

Đừng mua Samoyed nếu bạn không sẵn sàng chia sẻ căn nhà và cuộc sống của mình

Samoyed được tạo ra để chia sẻ công việc trong gia đình (săn bắn, chăn gia súc, kéo xe...) và dành phần lớn thời gian làm việc cùng gia đình. Chúng thích được kết thân và muốn ở bên cạnh bạn mọi lúc mọi nơi. Chúng cảm thấy hạn phúc nhất khi được sống cùng nhà với bạn và đi cùng bạn mỗi khi bạn ra ngoài. Mặc dùng chúng có thể chấp nhận ở nhà một mình (tốt nhất là với cửa dành riêng cho chó để chúng có thể ra ngoài sân vườn có hàng rào) nhưng không nên bắt chúng chỉ được ở sân sau hay trong chuồng. Chó con không được sống cùng nhà sẽ có khả năng khó gần, ương bướng và bất mãn khi lớn lên. Chúng có thể tạo ra những thói tiêu khiển như đào bới hoặc sủa khiến bạn và hàng xóm phiền lòng. Chú trường thành không được sống cùng nhà cũng sẽ cảm thấy bất hạnh. Nếu bạn không muốn chó đồng hành với mình càng nhiều tốt, không thích chó ngủ trong phòng của bạn vào ban đêm và chia sẻ phần lớn các hoạt động ban ngày của bạn với chúng thì bạn nên chọn một loại chó ít có xu hướng đòi hỏi sự đồng hành của con người. Tương tự nếu công việc hoặc các nghĩa vụ khác của bạn khiến bạn không thể dành nhiều thời gian cho chó thì bạn cũng nên chọn loại chó khác. Không loài chó nào sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc nếu thiếu vắng sự đồng hành của con người, tuy nhiên chó săn sẽ dễ chấp nhận việc ở trong chuồng miễn sao đàn chó có ít nhất 2 thành viên. Một sự lựa chọn tốt hơn cho bạn là mèo bởi bản tính của chúng là thích cô độc.

Đừng mua Samoyed nếu bạn không có ý định huấn luyện chó

Các huấn luyện cơ bản trong gia đình và huấn luyện phục tùnglà bắt buộc đối với Samoyed. Tối thiểu bạn phải dạy chúng biết thực hiện các lệnh tới, nằm, đứng im và đi bên cạnh bạn khi có xích hoặc không có xích bất kể có cám dỗ gì. Bạn cũng phải dạy chúng tuân theo các quy định trong nhà, chẳng hạn như chúng có được phép trèo lên bàn ghế hay không, chúng có được xin ăn ở bàn hay không? Không quan trọng bạn cho phép hoặc cấm chúng làm gì nhưng điều quan trọng là bạn chứ không phải chó đưa ra những quy định này và bạn phải bắt chó tuân theo các quy định một cách nhất quán. Bạn nên tham gia một khóa học phục tùng tại địa phương với chuyên gia huấn luyện và thực hiện tại nhà khoảng 20 phút mỗi ngày. Khi chó đã học các lệnh cơ bản thì bạn phải đưa chúng vào các hoạt động thường ngày bằng cách sử dụng một cách thích hợp và bắt tuân lệnh một cách nhất quán. Chó con rất dễ huấn luyện, chúng thích làm bạn hài lòng, thông minh, bình tĩnh và có sự tập trung tương đối tốt. Một khi Samoyed đã học được điều gì thì chúng nhớ rất lâu. Chú cún Samoyed nhỏ bé đáng yêu của bạn sẽ nhanh chóng trở thành một chú chó to lớn và khỏe mạnh. Nếu chúng lớn lên và tôn trọng bạn cũng như các quy định của bạn thì toàn bộ sức mạnh về thể chất và tinh thần của chúng sẽ hoàn toàn dành cho bạn. Nhưng nếu chúng lớn lên mà không có quy tắc hay sự hướng dẫn từ bạn thì chắc chắn chúng sẽ tự đặt ra quy tắc và dùng toàn sức mạnh thể chất và tinh thần để đối phó với các nhu cầu và mong muốn của bạn. Chẳng hạn chúng kéo bạn trên đường khi tham gia cuộc thi kéo xe, chúng lấy đồ ăn trên bàn hoặc cấm khách của bạn bước vào ngôi nhà "của chúng". Bạn không thể giao việc huấn luyện cho người khác, chẳng hạn như gửi chó tới các trường huấn luyện bởi sự tôn trọng và tuân lệnh là mối quan hệ cá nhân giữa chó và người thực hiện việc huấn luyện. Mặc dù bạn muốn có sự giúp đỡ người chuyên gia huấn luyện nhưng bản thân bạn cũng phải huấn luyện chú Samoyed của mình. Mỗi khi học xong một bài thì toàn bộ thành viên trong gia đình (trừ trẻ con) đều phải huấn luyện chó để đảm bảo chúng tuân lệnh cả những người khác trong gia đình. Nếu bạn không định giáo dục chó của mình, đặc biệt là khi còn nhỏ thì bạn nên nuôi một loại chó vừa nhỏ và thích phục tùng.

Đừng mua Samoyed nếu bạn không có khả năng lãnh đạo (tự khẳng định bản thân)

Loài chó không tin vào bình đẳng xã hội. Chúng sống trong hệ thống phân cấp xã hội dưới sự dẫn dắt của chó đầu đàn (alpha). Chó đầu đàn thường nhân từ, tình cảm và không bắt nạt kẻ dưới nhưng trong suy nghĩ của chúng và đàn chó thì đó là thủ lĩnh, là người đặt ra quy tắc. Cho dù bạn nuôi loại chó gì thì nếu bạn không nhận vĩ trí thủ lĩnh thì chẳng mấy chốc  chó của bạn sẽ nhận lấy vị trí đó, dẫn tới các hậu quả khó chịu. Giống như một chú chó không được huấn luyện, chó đầu đàn đặt ra luật lệ riêng và bắt các thành viên khác phải tuân lệnh bằng tư thế thống trị và cái nhìn chăm chăm, tiếp theo đó là gầm gừ và đánh ngã hoặc cắn. Mỗi loài chó khác nhau lại có xu hướng thống trị khác nhau và mỗi con chó khác nhau trong cùng một loại lại có tính cách khác nhau đáng kể. Bạn không nhất thiết phải trở thành lính thủy đánh bộ nhưng bạn phải có được sự bình tĩnh, tự tin và tự khẳng định của một bậc phụ huynh thành công ("Bởi mẹ là mẹ của con, thế thôi) hoặc của một giáo viên thành công. Nếu bạn nghĩ bạn có thể gặp khó khăn trong việc bình tĩnh và tự tin để thực hiện vai trò lãnh đạo thì bạn nên chọn một giống chó nổi tiếng thích ở dưới trong hệ thống phân cấp xã hội như Golden Retriever hoặc Shetland Sheepdog và hãy đề nghị người bán chọn cho bạn một chú cún có khuynh hướng dễ bảo nhất trong đàn. Nếu ý tưởng về việc "làm chủ" khiến bạn thấy sợ thì đừng nuôi chó. Mèo, cá hay chuột hamster không mong đợi sự lãnh đạo từ bạn. Sự lãnh đạo và huấn luyện phải đi đôi với nhau, khả năng lãnh đạo cho phép bạn huấn luyện chú chó của bạn và việc được bạn huấn luyện sẽ củng cố nhận thức coi bạn làm alpha từ chú chó của bạn.

Đừng mua Samoyed nếu bạn không trân trọng một người bạn đồng hành thoải mái và sự yêu mến nhẹ nhàng

Khi Samoyed trở nên gắn bó và cống hiến cho gia đình riêng của mình thì chúng không công khai thể hiện tình cảm. Một số rất kín đáo, số khác thì cởi mở hơn nhưng rất ít chó Samoyed trưởng thành thể hiện cảm xúc một cách hồ hởi. Chúng thích ở gần bạn, chẳng hạn như trong cùng một phòng, tốt nhất là trên một tấm đệm ở góc phòng hoặc dưới chân bàn để bạn có người bên cạnh. Chúng thích trò chuyện, vuốt ve và âu yếm khi bạn sẵn sàng nhưng chúng không quá vồ vập đòi hỏi sự chú ý từ bạn. Chúng rất nhạy cảm với những người chúng yêu quý: khi bạn vui vẻ, tự hào, tức giận hoặc đau buồn, Samoyed sẽ lập tức nhận thức được và tin rằng mình là nguyên nhân. Mối quan hệ rất sâu sắc và tinh tế giữa hai người trưởng thành với nhau nhưng không hề thiếu sự vui đùa. Đương nhiên khi là chó con thì chúng sẽ tự lập hơn, thích vui chơi hơn và thể hiện cảm xúc nhiều hơn. 

Đừng mua Samoyed nếu bạn là người tỉ mỉ với căn nhà của mình

Bộ lông kép dày sụ của Samoyed cộng với việc yêu thích đào bới trong nước và bùn sẽ biến chúng trở thành người vận chuyển bùn đất tích cực vào nhà của bạn, trên sàn, trên thảm  và có thể là trên đồ đạc và quần áo của bạn. Một chú Samoyed chỉ sau vài phút ngoài trời mưa có thể biến căn nhà ngay lập tức trở nên bụi bẩn. Ngực của Samoyed sẽ thấm nước mỗi khi chúng uống nước và nước sẽ nhỏ giọt khắp sàn nhà bạn hay thấm vào quần áo của bạn. Samoyed rụng lông theo mùa và vào mùa xuân, chúng có thể dễ dàng làm đầy túi rác của bạn bằng các cụm lông sau mỗi lần chải hoặc làm tắc máy hút bụi nếu lông rụng ra sàn. Ý tôi không phải là bạn phải là người lười biếng hay nhếch nhác thì mới sống hạnh phúc với Samoyed mà bạn phải hiểu rằng việc có chó bên cạnh quan trọng hơn sự ngăn nắp, gọn gàng và bạn phải cảm thấy thoải mái với một căn nhà ít sạch sẽ. Mặc dù chó, cũng giống như trẻ con sẽ khiến căn nhà trở nên bừa bộn hơn nhưng các giống chó khác ngoài Samoyed sẽ mang tới ít rắc rối hơn trong vấn đề này. Basenji có lẽ là giống chó sạch sẽ nhất bởi thói quen giống loài mèo nhưng mèo vẫn sạch hơn và cá vàng thì hầu như không bao giờ làm bẩn nhà.

Đừng mua Samoyed nếu bạn không thể chịu được việc chó sủa

Phần lớn người nuôi Samoyed đều không ưa chó sủa nhưng đây là một phần không thể thiếu của Samoyed, việc không thích sẽ dần chuyển thành lãnh đạm hoặc làm chó không sủa được bằng cách nhờ bác sỹ thú ý thực hiện một vài tiểu phẫu.

Đừng mua Samoyed nếu bạn không thích thường xuyên phải chải lông

Bộ lông kép trắng dày đòi hỏi phải chải chuốt thường xuyên, không chỉ để Samoyed trông đẹp hơn mà còn đảm bảo sức khỏe của bộ da bên dưới, cũng như để phát hiện ra các loài ve bọ hay các loài ký sinh nguy hiểm khác. Để chải lông bạn phải dành ít nhất 10-15 phút một ngày (chẳng hạn như khi nghe nhạc hoặc xem TV) cứ 2 ngày 1 lần hoặc nửa giờ mỗi lần và 2 lần 1 tuần. Đương nhiên vào mùa ký sinh phát triển thì bạn cần dành nhiều thời gian hơn. Chải lông không đòi hỏi nhiều kỹ năng mà đòi hỏi nhiều thời gian và sự đều đặn. Rất nhiều loại chó khác ít đòi hỏi phải chải lông hơn như các loài lông ngắn. 

Sunday, August 17, 2014

Bánh cà rốt phủ kem cream cheese (Carrot cake)



Lâu lâu lại lạc đề một chút bằng công thức bánh mà mình mới tìm thấy trên Joy of Baking. Bánh cà rốt nguyên liệu đơn giản, dễ làm mà ăn lại ngon. Bánh rất mềm và ẩm, khi ăn không thấy rõ mùi vị cà rốt mà chỉ cảm nhận được vị ngọt của nó mà thôi, lại thêm mùi thơm của bột quế, thỉnh thoảng xen lẫn vị bùi bùi của hạt óc chó và vị ngọt thanh mát của cream cheese, quả là một tráng miệng tuyệt vời. Mình làm thử một lần mà đã thấy mê ngay nên phải ghi lại để lần sau còn tiếp tục làm đánh chén hehe.

Nguyên liệu (cho 2 khuôn bánh tròn đường kính 23cm hoặc khuôn chữ nhật 23x33cm. Ở đây mình làm 1 khuôn 23cm và 1 khuôn 16cm ):

Bánh:
  • 100g hạt óc chó hoặc hạt hồ đào
  • 340g cà rốt nạo nhuyễn
  • 260g bột
  • 1 teaspoon baking soda
  • 1 1/2 teaspoon bột nở (baking power)
  • 1/2 teaspoon muối
  • 1 1/2 teaspoon bột quế
  • 4 quả trứng (khoảng 60g cả vỏ)
  • 300g đường trắng
  • 240g dầu thực vật không mùi vị
  • 2 teaspoon vani
    Kem phủ:
    • 75g bơ ở nhiệt độ phòng
    • 300g cream cheese ở nhiệt độ phòng
    • 300g đường bột
    • 4g vani (nếu bạn muốn có vị vani cho thơm)
    • 1 nắm hạt óc chó, hồ đào hoặc hạnh nhân để trang trí

    Cách làm:
    • Bật trước lò ở 180 độ
    • Chống dính khay nướng bằng bơ ở thành và giấy làm bánh ở đáy
    • Nướng sơ hạt óc chó hoặc hạt hồ đào trong khoảng 8 phút cho đến khi chuyển màu nâu và dậy mùi, để nguội và băm nhỏ. Không nên băm quá nhuyễn vì khi ăn sẽ ko cảm nhận được hạt trong mồm.
    • Gọt cà rốt và nạo nhuyễn.
    • Trộn bột, baking soda, bột nở, muối và bột quế vào một bát to
    • Đánh trứng đến khi sủi bọt (khoảng 1 phút) rồi thêm đường và đánh đến khi hỗn hợp đặc hơn và chuyển màu vàng nhạt (khoảng 3-4 phút). Từ từ thêm dầu ăn và vani rồi đánh đều.
    • Đổ hỗn hợp bột ở trên vào hỗn hợp đường trứng, đánh đến khi hòa trộn.
    • Dùng spatula trộn cà rốt đã nạo nhuyễn và hạt đã băm vào hỗn hợp trên.
    • Chia hỗn hợp vào khay rồi nướng trong khoảng 25-30 phút cho đến khi đút tăm vào rút ra thấy khô.
    • Lấy bánh ra khỏi lò rồi để nguội. Trong lúc chờ đi làm kem phủ.
    • Trộn đều bơ và cream cheese rồi dùng máy đánh ở tốc độ chậm đến khi hòa quyện, sau đó chia đường bột thành 3 phần rồi thêm vào hỗn hợp bơ, cream cheese và đánh đều đến khi được hỗn hợp mềm mượt.
    • Bánh cà rốt được cho là bánh dân dã nên bạn chỉ cần đơn giản phết lớp kem phủ ở đế bánh thứ nhất rồi đặt đế bánh thứ 2 lên trên, phủ một lớp kem nữa rồi rắc ít hạt lên trên. Mình làm cầu kỳ hơn 1 chút thì phủ kem toàn bộ bánh rồi rắc hạt xung quanh. Dù làm thế nào thì cũng ko ảnh hưởng đến chất lượng bánh, vẫn măm ngon như thường hihi.

    Saturday, August 2, 2014

    Thời kỳ động dục của chó cái (salo ở chó cái)

    Tự nhiên hôm nay mình chợt nhớ ra Luna đã được gần 8 tháng, tức là đã sắp đến thời kỳ động dục, mặc dù Luna vẫn chưa có dấu hiệu gì nhưng đã đến lúc mình cần tìm hiểu về thời kỳ quan trọng này trong cuộc đời của Luna để chuẩn bị chăm sóc Luna cho hợp lý và giảm thiểu khả năng có thai ngoài ý muốn. 

    Phần lớn chó cái sẽ bắt đầu thời kỳ động dục đầu tiên trong khoảng từ 6 đến 12 tháng tùy theo loại chó, chó nhỏ sẽ động dục sớm hơn chó to. Thời kỳ động dục diễn ra hàng năm hoặc 2 lần một năm tùy thuộc vào loại chó. Khi chó cái bắt đầu thời kỳ động dục đầu tiên, bạn nên ghi chép lại cẩn thận để tiện theo dõi và biết được khi nào thời kỳ tiếp theo sẽ diễn ra.

    Chu kỳ của chó cái có thể chia làm 4 giai đoạn như sau:
    • Giai đoạn trước động dục - Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 9 ngày và được đánh dấu bằng việc tăng nồng độ Estrogen trong cơ thể. Chó cái sẽ chưa chấp nhận sự tiếp cận từ chó đực nhưng có thể xuất hiện nhiều dấu hiệu của thời kỳ động dục.
    • Giai đoạn động dục - Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 9 ngày, lượng estrogen giảm trong khi lượng progesterone tăng. Chó cái sẽ bắt đầu việc rụng trứng, tức là một loạt trứng sẽ được phóng ra từ buồng trứng, sẵn sàng để thụ tinh. Thời điểm này chó cái sẽ bắt đầu chấp nhận khi chó đực tiếp cận để bắt đầu quá trình sinh sản.
    • Giai đoạn sau động dục - Giai đoạn này kéo dài khoảng 2 tháng. Lượng progesterone vẫn cao nhưng chó cái sẽ không chấp nhận sự tiếp cận từ chó đực nữa.
    • Giai đoạn đình dục - Đây là giai đoạn nghỉ, kéo dài cho đến khi chó cái lại bắt đầu thời kỳ động dục mới.
    Những dấu hiệu cho thấy chó cái đang trong thời kỳ động dục bao gồm:
    • Thay đổi tâm trạng - Một số chó cái có thể thay đổi tâm trọng trong một thời gian ngắn trước thời kỳ động dục, một số trở nên nhạy cảm hơn.
    • Núm vú bị sưng - Đôi khi núm vú và ngực sẽ hơi sưng lên một chút. Đây cũng có thể là đấu hiệu của việc có thai giả (chó cái xuất hiện dấu hiệu của việc có thai cho dù thực tế là không phải vậy.) Tuy nhiên việc này sẽ biến mất sau vài tuần.
    • Bỗng dưng có chó đực tiếp cận - Chó đực có thể phát hiện ra chó cái trong thời kỳ động dục từ rất sớm bởi chúng có thể ngửi thấy sự thay đổi trong hormone của chó cái.
    • Đuôi dựng đứng - Khi chó cái sẵn sàng sinh sản thì nó thường đứng yên khi chó đực tiếp cận âm hộ của nó. Chó cái sẽ dựng đứng đuôi lên và vẫy từ bên này sang bên kia để đảm bảo chó đực ngửi thấy mùi.
    • Âm hộ bị sưng - Âm hộ có thể hơi sưng lên nhưng dấu hiệu này ở các con chó khác nhau cũng rất khác nhau, có con không sưng mấy, có con lại sưng to như trái golf.
    • Chảy máu - Đây thường là dấu hiệu chắc chắn nhất rằng thời kỳ động dục đã đến. Máu màu đỏ nhạt trong tuần đầu tiên sẽ chuyển sang đậm hơn trong thời kỳ sinh sản và quay trở lại màu đỏ trước khi ngừng chảy. Một số loại chó cái tự giữ sạch cho bản thân đến nỗi có thể khó phát hiện khi chúng đang trong thời kỳ động dục.
    Âm hộ nhỏ - Chó cái không trong thời kỳ động dục
    Chó cái trong thời kỳ động dục, âm hộ sưng lên gấp 2,3 lần so với kích cỡ thông thường
    Chó cái trong thời kỳ động dục, âm hộ sưng to, đổi vị trí để chó đực có thể dễ dàng đi vào. Máu sẽ chuyển từ màu đỏ tươi sang màu đỏ hơi vàng.

    Những điều cần làm khi chó cái trong thời kỳ động dục bao gồm:
    • Quan sát chó cái cẩn thận để đảm bảo không xảy ra việc có thai ngoài ý muốn bởi chó đực có thể phát hiện ra mùi chó cái trong thời kỳ động dục từ rất xa và chúng sẵn sàng đi tới để tìm chó cái.
    • Kiên nhẫn và nhẹ nhàng với chó cái bởi chúng có thể cảm thấy khó ở trong giai đoạn trước động dục.
    • Không tắm cho chó cho đến khi ngừng chảy máu. Nhờ vậy bạn có thể đảm bảo rằng cổ tử cung của chúng đã đóng lại và chúng sẽ không bị nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng âm đạo từ nước tắm.
    • Có thể dùng băng vệ sinh dành riêng cho chó để không bị bẩn trong nhà.
    • Cân nhắc việc cắt buồng trứng cho chó cái sau lần động dục đầu tiên. 
    • Khi bạn đã xác định được chu kỳ động dục của chó cái và có ý định có chó con thì hãy đưa chó đến bác sỹ thú y để kiểm tra bệnh brucelle trước khi xảy ra thời kỳ động dục tiếp theo. Hãy yêu cầu kiểm tra cả chó đực vì Brucelle là bệnh do vi khuẩn gây ra và lây nhiễm qua đường tình dục, nó có thể gây ra tình trạng vô sinh ở cả chó đực và chó cái.
    • Không nên cho chó cái sinh sản trong lần động dục đầu tiên hay thứ hai bởi trứng chưa đủ trưởng thành. Tốt nhất nên cho chó cái sinh sản ở lần động dục thứ ba hoặc sau đó, khi chó ở khoảng 1.5 đến 2 tuổi và đảm bảo điều kiện sức khỏe.
    Nguồn: Dog Breed Info Center. Daily Puppy

    Monday, July 21, 2014

    Dạy cún các lệnh huấn luyện cơ bản



    Đảo qua một vòng trên mạng mình thấy có rất nhiều trang cả tiếng Anh và tiếng Việt dạy các lệnh cơ bản cho cún, nếu muốn minh họa cụ thể thì có thể lên Youtube. Dưới đây mình cũng xin được viết về mười lệnh cơ bản mà chú cún nào cũng nên biết cho dù là lớn hay nhỏ.

    1. Dạy cún biết tên mình

    Trước hết bạn hãy chọn cho cún 1 cái tên mình yêu thích, nên chọn tên ngắn gồm 1 đến 2 từ chơi với cún hoặc khi cún ở gần bạn hãy gọi tên cún bằng một giọng rõ ràng và vui vẻ. Nếu cún nhìn bạn hoặc tiến đến gần bạn thì hãy thưởng cho cún. Lặp lại việc này nhiều lần cho đến khi cún có vẻ đã biết tên mình thì bạn có thể thử sang một phòng khác rồi gọi tên cún, nếu cún chạy lại thì lập tức khen và thưởng cho cún thật nhiều. Trong những tuần đầu tiên hãy thường xuyên nhắc tên cún khi bạn đi dạo cùng cún, cho cún ăn hay chơi cùng cún... và đừng quen khen thưởng hậu hĩnh khi cún phản ứng lại với tên của mình. Chẳng mấy chốc cún sẽ biết tên mình ngay thôi.

    2. Dạy cún ngồi

    Sau khi cún đã biết tên mình, bạn có thể tiến tới dạy cún thực hiện các lệnh cơ bản mà trong đó lệnh "ngồi" mà một lệnh đơn giản nhưng rất quan trọng. Dạy cún ngồi sẽ giúp cún trấn tĩnh khỏi sự quá khích của mình và dần dần hiểu rằng khi bạn đang bận thì cún nên ngồi và đợi.

    Để dạy lệnh này, bạn hãy cầm thức ăn trên tay rồi đưa quá tầm đầu của cún, theo phản ứng tự nhiên, cún sẽ ngẩng đầu lên và ngồi xuống, lúc nào bạn hãy thưởng cho cún. Nếu cún vẫn chưa biết phải làm gì thì bạn có thể dùng 1 tay giữ cằm cún còn tay kia ấn nhẹ vào mông để cún ngồi xuống. Sau một vài lần cún đã quen thì bạn thêm khẩu lệnh vào trước khi giơ thức ăn lên cao, khi cún đặt mông xuống sàn thì khen thưởng. 

    Hãy thường xuyên ra lệnh này cho cún trong hoạt động thường ngày. Ví dụ trước khi ra khỏi nhà, mình luôn bảo Luna ngồi xuống, mình móc dây vào cổ rồi mới cho đi. Hoặc khi đến giờ ăn thì mình bảo Luna ngồi xuống xong thì mới đặt bát thức ăn xuống cho ăn. Khi khách đến hoặc chủ về, Luna muốn phải ngồi xuống đợi mọi người cởi giày cất đồ xong thì mới được sự quan tâm của người đó... Điều này cũng giúp cún hiểu được mình là chủ, cún muốn có được điều gì đó từ mình thì phải làm gì đó cho mình trước. Phương pháp này có tên NILIF (Nothing in Life is Free)

    3. Dạy cún đứng

    Khi cún đang ngồi, bạn đưa thức ăn lên ngang tầm mắt cún, có thể dùng tay nâng nhẹ dưới phần bụng để cún hiểu phải đứng lên. Tương tự với lệnh trên, khi cún đã quen với hành động thì bạn bắt đầu thêm khẩu lệnh vào và nhớ khen thưởng thật nhiều khi cún làm đúng.

    4. Dạy cún nằm

    Khi cún đang ngồi, bạn đặt thức ăn xuống sàn, có thể dùng tay đẩy nhẹ cổ cún xuống thấp để cún hiểu là phải nằm xuống, chỉ khi cún nằm hẳn xuống đất thì bạn hãy thưởng cho cún. Tương tự với lệnh trên, khi cún đã quen với hành động thì bạn bắt đầu thêm khẩu lệnh vào và nhớ khen thưởng thật nhiều khi cún làm đúng.

    5. Dạy cún bắt tay

    Khi cún đang ngồi, bạn đưa 1 tay lên, có thể dùng tay kia đặt chân trước của cún vào tay mình, khi bạn đã nắm được chân của cún thì hãy thưởng cho cún. Tương tự với lệnh trên, khi cún đã quen với hành động thì bạn bắt đầu thêm khẩu lệnh vào và nhớ khen thưởng thật nhiều khi cún làm đúng. Sau này khi cún đã quen rồi thì ngay cả khi đang nằm cún cũng biết đưa chân trước ra cho bạn nắm. 

    6. Dạy cún đến gần

    Bạn nên dùng dây xích khi dạy lệnh này. Khi cún đang ngồi, bạn đứng cách cún 1 khoảng ngắn, đưa thức ăn ra trước để cún ngửi thấy và nói khẩu lệnh, có thể kéo dây 1 chút để cún chạy đến. Dần dần bạn tăng khoảng cách lên, không cần dùng dây xích nữa khi thực hiện lệnh này. Đây là một lệnh quan trọng nên bạn hãy thường xuyên sử dụng lệnh này trong hoạt động hàng ngày để cún thật nhớ.

    7. Dạy cún ở yên một chỗ

    Khi cún đang ngồi, bạn đưa bàn tay ra trước mặt cún kèm khẩu lệnh rồi bước lùi lại 1,2 bước, nếu cún vẫn ngồi yên tại chỗ thì bạn bước lại thưởng cho cún. Dần dần bạn sẽ tăng khoảng cách lên, thay vì dùng cả bàn tay thì chỉ cần dùng 1 ngón tay và tăng thời gian cún ngồi yên. Khi cún đã hoàn toàn quen với lệnh ở yên một chỗ thì bạn có thể thêm khẩu lệnh thả thì cún mới được rời khỏi chỗ đó. 

    Mình áp dụng lệnh này vào hoạt động hàng ngày bằng cách mỗi khi chuẩn bị đưa Luna ra ngoài đi dạo, mình sẽ bảo Luna ngồi yên, mình bước ra ngoài trước rồi ra lệnh thả thì Luna mới được bước ra ngoài và tương tự khi mình quay trở vào nhà. Điều này cũng giúp Luna hiểu được mình có ưu thế trước Luna, mình là người đi đầu còn Luna chỉ theo sau theo như Alpha Dog Theory

    8. Dạy cún đi về chuồng

    Bạn đứng trước chuồng của cún rồi ném thức ăn vào trong chuồng cún để cún chạy vào nhặt. Ngay khi cún vào trong chuồng thì hãy khen cún thật nhiều. Tương tự với lệnh trên, khi cún đã quen với hành động thì bạn bắt đầu thêm khẩu lệnh vào và nhớ khen thưởng thật nhiều khi cún làm đúng. Dần dần bạn không cần ném thức ăn vào chuồng trước mà hô khẩu lệnh trước, sau khi cún đã chạy vào chuồng thì hãy thưởng cho cún. 

    Với Luna thì mình thường dùng chuồng để cho ăn và cho đi ngủ nên mỗi khi mình bảo Đến giờ ăn/ Đến giờ ngủ rồi Về chuồng thì Luna sẽ tự động chạy vào chuồng. Dần dần mình thậm chí chẳng cần bảo về chuồng mà chỉ cần bảo đến giờ ăn/ ngủ rồi thì Luna đã chạy vào chuồng ngồi rất ngoan. Vì chó hoạt động theo thói quen nên có những khẩu lệnh được thực hiện nhiều lần nó sẽ tự động học được. Và tất nhiên khi mình đi vắng cần nhốt Luna vào chuồng thì chỉ cần mình bảo về chuồng thôi là Luna vẫn hiểu lệnh chứ không hề bị nhầm lẫn gì đâu. 

    9. Dạy cún không nhặt

    Lệnh này rất quan trọng để khi đi dạo ngoài đường cún không ăn các vật linh tinh ngoài đường. Khi cún đang ngồi, bạn đặt thức ăn hoặc đồ chơi trước mặt cún để cún nhìn thấy rồi đưa ra khẩu lệnh không nhặt. Nếu cún cúi xuống nhặt thì bạn dùng tay che vật đó lại, lặp lại khẩu lệnh rồi bỏ tay ra. Lặp lại đến khi bạn đưa ra khẩu lệnh mà cún không cúi nhặt thì khen thưởng cho cún. Lặp lại thường xuyên để cún không quên, nhất là khi đi dạo ngoài đường. Nếu khi đi dạo, bạn đưa ra lệnh mà cún đã lỡ dùng mồm nhặt thì bạn dừng lại, lấy vật đó ra khỏi mồm cún và nhắc lại khẩu lệnh một lần nữa, sau nhiều lần cún sẽ quen ngay thôi. 

    10. Dạy cún thả một vật ra

    Bạn đưa cún một đồ chơi yêu thích và nói Cầm lấy. Khi cún ngặm lấy đồ chơi thì bạn dùng tay kia cầm thức ăn đưa ra trước mũi cún và nói Thả ra, khi cún thả đồ chơi ra thì bạn hãy khen thưởng cho cún. 

    Một số điều quan trọng khác là với cún còn bé hãy giới hạn thời gian huấn luyện khoảng 5-15p một lần rồi nghỉ, bạn có thể thực hiện nhiều lần trong ngày nếu muốn. Hãy giữ khẩu lệnh ngắn trong khoảng 1-2 từ thôi để cún dễ học, khi nói khẩu lệnh thì phải nói một cách to rõ. Cố gắng áp dụng khẩu lệnh vào các hoạt động thường nhật của cún bởi mục đích của việc huấn luyện cún là để làm cuộc sống của cả bạn và cún dễ thở hơn bởi hai bên có thể hiểu nhau tốt hơn mà. 

    Sunday, July 13, 2014

    Đi chơi sở thú

    Hơi lạc đề một tí. Dạo này mùa hè trời nắng đẹp mà lại không quá nóng nên vợ chồng mình và em chồng cùng người yêu, 4 người tung tăng trên chiếc xe đi gần 2 tiếng ô tô đến Vườn bách thú Ranua. Phải công nhận là vườn thú ở đây rất to, mỗi loài động vật có một khu vực sống riêng rất rộng, người ta cố gắng tạo môi trường sao cho thật gần với môi trường sống trong rừng của chúng và hàng rào ngăn cách cũng phải tới 1, 2m để đảm bảo an toàn cho cả người xem và con thú trong đó. Mà thật ra vườn thú này được xây trong khuôn viên một khu rừng nên cảm giác khá thật. Bên trong vườn thú có một số khu vực vui chơi cho trẻ em, lại còn cả 5 chuồng cho cún với nước và thức ăn để khách đến thăm có thể yên tâm tham quan mà không phải lo lắng về cún cưng của mình, đây là điều khiến mình rất hài lòng mặc dù không mang Luna theo.

    Mình xin được chia sẻ một số tấm ảnh về những loài động vật mình yêu thích nhất ở đây.

    Em gấu bé này rất đáng yêu, rất hiếu động, mình có thể ngắm em ý suốt mà ko chán. Người ta phải tách riêng em gấu bé với 2 em gấu lớn bên kia, chắc sợ mấy em gấu lớn sẽ tranh hết phần thức ăn hoặc đánh nhau với em gấu bé quá. Nhưng thấy em gấu bé cũng không có vẻ buồn phiền nhiều, vẫn tự chơi một mình rất ngoan. Như việc mò mấy củ cà rốt ở cái ao nhỏ kia thôi mà em ý làm cả chục động tác thừa, bù lại mình được xem em ý chơi, vui ơi là vui, yêu ơi là yêu. 

    Em gấu to này thì rất kỳ quặc, lúc mình đến đã thấy trèo trên cây, hơn 1 tiếng sau quay lại vẫn thấy trên đó, người ta đến ném thức ăn cho mà cũng ko thèm xuống ăn. Mình đứng chờ em ý phải nửa tiếng để xem em ý leo cây như thế nào mà giỏi vậy, cây cứ thẳng đuột, không có cành bám mấy thế kia mà leo được rõ cao. 

    Nhìn gấu thật từ xa trông cũng ko to lắm, so vào hình mới bít ai hơn ai hihi

    Em gấu Bắc cực này có điệu cầm thức ăn rất xinh, ko phải ngửa bàn tay lên mà lại cứ úp úp thế kia thì làm sao ầm cho chắc được. Cũng may là có 2 em ở với nhau cũng vui. Trời mùa hè chắc khá nóng với em ý nên 1 em cứ thấy bơi lội dưới ao suốt thôi, em còn lại thì toàn đứng trên đá, chỉ xuống ao khi có thức ăn rồi lại leo lên đá ngửi ngửi không khí như thế kia. 

    Xin giới thiệu em này là wolverine nhé, tưởng thế nào chứ bé tí, nhưng đầu gấu lắm, dám săn cả những con to tướng như hươu nai cơ nhé. Mà em này rất giống Luna ở chỗ cũng thích đào hố giấu thức ăn đi, đề phòng những khi cơ nhỡ, động vật thật biết lo xa ghê cơ.

    Bộ ba em cú đáng yêu. Trong vườn bách thú có gần chục loại cú khác nhau, có em màu trắng, có em màu nâu, có em to em nhỏ, nhưng em nào cũng có cái mặt tròn tròn bẹt bẹt xinh xinh làm mình muốn mang một em về nhà nuôi quá, không biết Luna sẽ nghĩ sao :D

    Cái biển báo này làm mình buồn cười quá, không biết lúc tức giận thì thiên nga nó sẽ làm gì mọi người nhỉ. Mà mình không hiểu, hồ mát lại đầy thức ăn như thế, tại sao thiên nga vẫn nổi giận?

    Em bambi ngoài đời là đây. Lúc bé thì có đốm trắng trên người, khi lớn lên đốm trắng lại biến đâu mất, loài vật có nhiều thứ thật kỳ lạ.

    Nhảy thử được có bằng em chồn kia thôi hức hức

    Mình đang đi thì mấy em bé chạy lại giới thiệu bọn mình vào khu vui chơi này. Mấy em đó chắc chỉ tầm 10 tuổi chứ mấy mà nói năng rất bạo dạn, giới thiệu cách chơi như thật làm mình thấy yêu ghê nên ghé vào chơi cho các em hài lòng. Sau khi chơi hết 4 trò trong đó có trò tô màu và cắt dán này thì mình được tặng 1 cái postcard của Vườn bách thú Ranua này. Chỉ là một hành động rất nhỏ nhưng khiến khách ghé thăm cực kỳ hài lòng khi ra về. 

    Thursday, July 10, 2014

    Kỷ niệm 5 tháng nuôi Luna

    Chà quanh đi quẩn lại mà Luna đã ở với vợ chồng mình được 5 tháng rồi, 5 tháng nghe có vẻ ngắn ngủi nhưng mình cảm giác như đã nuôi Luna từ lâu lắm rồi ý vì ngày càng thấy gắn bó và yêu Luna nhiều hơn. Nhiều khi đọc tin về những người nuôi cún được 1 thời gian rồi bán đi cho người khác vì lý do bận không chăm sóc được này nọ, mình chả hiểu người ta nghĩ gì nữa. Trước khi nuôi cún là phải xác định sẽ phải dành được thời gian trong mười mấy năm tới củacuộc đời mình cho chú cún đó thì hãy mua, cún nó là một vật thể sống, có cảm xúc đàng hoàng chứ có phải đồ vật đâu mà thích lên thì mua, chán rồi thì bán đi như thế chứ. Buồn cho những người như vậy. Thôi dù sao đó cũng là chuyện của người ta, mình cứ lo chăm sóc Luna cho thật tốt đi đã. Nhân dịp kỷ niệm 5 tháng nuôi Luna, mình sẽ điểm lại những điểm tốt và không tốt của việc có một chú cún trong nhà nào.

    Trước hết là điểm tốt đã vì càng ngày mình càng thấy nhận nuôi Luna là một trong những quyết định tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Mỗi ngày nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, những tư thế ngủ đáng yêu và thỉnh thoảng là những hành động ngốc nghếch khác của Luna đều khiến mình thấy cuộc đời tươi sáng và bớt nhàm chán hơn một chút. Rồi những khi về nhà, thấy Luna mừng rỡ chạy ra đón, quấn quýt bên chân kêu ư ử, cảm thấy mình thật đặc biệt, thật quan trọng biết bao nhiêu. Mà quả đúng là vậy vì trong cuộc đời mình vẫn còn rất nhiều người khác mình quan tâm và yêu quý nhưng với Luna thì vợ chồng mình là duy nhất. 

    Tiếp nữa là niềm tự hào mỗi khi dạy thành công cho Luna những trò nho nhỏ. Chẳng hạn một trong những điều mà mọi người đến chơi nhà mình đều rất thích ở Luna là việc Luna biết rung chuông khi muốn đi ra ngoài. Mà trò này rất hữu ích khi Luna bị tiêu chảy nhé, nhờ có chiếc chuông nhỏ mà Luna không ị bậy ra nhà, bố mẹ đỡ mất công dọn dẹp. 

    Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những lúc Luna làm bọn mình phát điên lên. Gần đây nhất là việc bọn mình để túi đựng máy ảnh ở trên nóc chuồng rồi đi ra ngoài, Luna ở nhà buồn chán thế nào mà gặm đứt quai túi, làm máy ảnh rơi từ trên nóc chuồng xuống đất, may mà không làm sao. Mặc dù biết là do lỗi của bọn mình bất cẩn nhưng vẫn tức và xót của haiz haiz. Rồi những tuần đầu tiên nuôi Luna thì quả là địa ngục. Mặc dù hồi đó Luna còn bé rất đáng yêu nhưng nhu cầu đi vệ sinh thì cũng rất cao làm bọn mình phải thức dậy vài lần trong đêm để cho đi vệ sinh kẻo Luna sẽ bậy ra chuồng. Rồi Luna còn tè bậy trong nhà vài lần mỗi ngày nữa làm bọn mình tha hồ dọn dẹp. 

    Hơn nữa do Luna còn bé nên tính tình rất hiếu động, đi ra ngoài đường thấy bạn cún khác là cứ nhặng xị cả lên đòi chơi cùng. Khách đến nhà chơi thì mừng rỡ quá mà nhảy cả lên người ta rồi thỉnh thoảng sủa ầm ĩ. Điều này bố mẹ đang cố gắng rất nhiều để cải thiện, nhưng theo tham khảo của mọi người thì chắc phải lớn lên Luna mới điềm tĩnh hơn được. 

    Ngoài ra, mẹ thì đã chịu vài cú cắn càn từ Luna thuở còn bất trị. Mới tuần trước thôi, đi xe đạp cùng Luna đang ngon lành thì Luna chạy 1 phát từ phải sang trái làm xe đổ, mẹ ngã sóng soài trên đường, chân cẳng được vài vết rách giờ vẫn chưa lành hết. Điều an ủi duy nhất lúc đó là Luna không chạy tiếp mà quay lại quanh quẩn bên mẹ xem có sao không, rồi khi có người bên đường đến hỏi thăm mẹ thì Luna vẫn không thèm quan tâm đến người ta mà chỉ đến mẹ thôi (bình thường là Luna thích người lạ lắm). Mà sau cú ngã đó của mẹ, Luna trên đường về nhà chỉ ngoan ngoãn im lặng đi bên cạnh mẹ, không mải ngửi cỏ bên đường nữa. Đó chỉ là một ví dụ khiến mình thấy đúng là loài chó có thể cảm nhận được cảm xúc của con người thật. Thỉnh thoảng có những lúc mình tức giận vì một điều gì đó thì dường như Luna cũng cảm nhận được vì lúc đó Luna không chơi đồ chơi gì cả mà chỉ đi quanh quanh bên mình im lặng, khiến mình thấy tội quá, lại ra xoa đầu Luna bảo không sao đâu. 

    Nói chung thì những điểm không tốt của Luna chỉ là do chưa được giáo dục đầy đủ thôi. Chính vì vậy mình luôn nghĩ nuôi chó chỉ vất vả khoảng 1 năm đầu tiên để dạy dỗ và huấn luyện, khi đã vào nếp rồi thì từ những năm sau đó sẽ rất nhàn vì chỉ còn toàn điểm tốt thôi mà. Thế nên mình rất khuyến khích mọi người nuôi chó nếu có thể đảm bảo thời gian và sự quan tâm nhất định bởi chó là một thành viên tích cực trong gia đình chứ không chỉ đơn giản là một con vật đâu nhé.